ĐÈN CÙ ( TẬP 2 ) – TRẦN ĐĨNH

( Từ chương 36 đến chương 41 )

Ch 36

Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức chuyến tới Dương Thu Hương một thư mời họp một hội nghị quốc tế về dân tộc học tại Đức. Nhung Hương nói rất tiếc. Năm 1994, ở Pháp về, tới sân bay Nội Bài, Hương đã bị công an lục soát hành lý và tước mất hộ chiếu. Đại sứ quán nói sẽ lo hộ. Không những thế đại sứ còn thân đưa xe đến đón Hương đi nghe dàn nhạc giao hưởng Đức sang biểu diễn ở Hilton Opera. Ít lâu sau đại sứ quán báo Hương đến cơ quan cấp hộ chiếu làm thủ tục. Người ta nói với đại sứ quán Đức rằng không hề có chuyện tịch thu hộ chiếu, chẳng qua vì từ nay sửa thành hộ chiếu đục lỗ nên thu về thôi. Vậy xin mời bà Hương cứ việc tới liên hệ. “Bọn này trí trá mà ngu. Ai lạ gì chúng là tố sư tước hộ chiếu mà lại làm ra vẻ em trắng ngần”, Hương bảo tôi. Hương đến Cục xuất nhập cảnh, người ta đưa bản khai, dặn khai xong đến công an phường lấy dấu và chữ ký xác nhận. Năm sáu anh công an phường kiếm cớ lần lượt ra nhòm người có bán khai lạ lùng như thế này. Tên tuổi: Dương Thu Hương. Đã bị bỏ tù vi chống chủ nghĩa xã hội. Lý do ra tù: do sức ép quốc tế và sự sụp đổ của thành trì xã hội chủ nghĩa. Hai tuần sau, tới hạn lấy hộ chiếu, trước khi tới Cục xuất nhập cảnh, Hương hẹn tôi đến khách sạn Metropole. “Vào đấy cá không theo được. Các cậu ít xìn”. Cô giám đốc với mấy cô tiếp viên kéo đến trách yêu: Chị lâu nay bỏ chúng em nha. Gặp thấy Hương vui, tôi hỏi: Xong rồi?

– Không!

Tôi ngẩn ra thì Hương phì cười:

– Anh này không mới hay chứ! Thế này, nghe em kể đây!

Theo hẹn, Hương đến lấy hộ chiếu. Một người nhận là “đại diện Nhà nước” nói khi khai có lẽ bà nghĩ chưa kỹ vậy hôm nay đề nghị bà nghĩ lại. – Nghĩ lại sao? – Chẳng lẽ bà khai bị tù vì chống này chống nọ rồi đến lý do ra tù thì lại không có gì sao? (Làm như Hương không trả lời mục này). Vậy xin bà nghĩ lại.

– À, lý do vào ra tù, tôi nghĩ đến đã mười năm nay, sao còn phải nghĩ lại?

– Tôi biết khai chỗ này có khó thật. Chẳng hạn lý do trả lại bà tự do thì chúng tôi cũng không giải thích được.

– Chỉ là đinh vít của bộ máy thì ông hiểu làm sao được lý do thả tôi? Chế độ các ông dựa vào bất minh, trí trá mà! Thôi vậy, đã thế thì cho tôi lấy lại bản khai, tôi không xin nữa. Hai lão Cục xuất nhập khẩu lập tức hốt hoảng: Nếu thế bà phải để chúng tôi làm biên bản. Biên bản nói Nhà nước đã vui lòng cấp hộ chiếu cho bà Dương Thu Hương nhưng bà thiếu thiện chí đã từ chối vì hận thù chủ nghĩa xã hội. Hương cầm xem đoạn nói: Nhà nước viết rồi đến tôi viết. Viết: Tôi không hận thù chủ nghĩa xã hội như trong biên bản người đại diện Nhà nước viết bởi lẽ nó chỉ là một khuynh hướng ấu trĩ của tư tưởng nhân loại. Nhưng tôi chống nó tới cùng bởi lẽ nó đem hợp thức hoá chế độ độc tài, toàn trị lên đầu nhân dân.

Ờ Metropole ra, Hương đến bưu điện fax cho ngài đại sứ: “Như nhiều lần tôi đã nói với ngài rằng những người cầm quyền ở nước tôi là những người nói dối chuyên nghiệp, những chuyên gia lật mặt (Hứ, cái gì, cái gì… experts en volte – face à?) cho nên tôi đã làm đủ các thủ tục nhưng họ vẫn không cấp cho tôi. Một lần nữa xin cảm ơn ngài đã quan tâm đến tôi”.

Cuối tháng 6 đại sứ quán Mỹ gửi Hương giấy mời dự kỷ niệm Quốc khánh Mỹ mồng 4 tháng 7. Hương bảo tôi không muốn đi vì ngại chỗ đông người. Nhất là gặp anh em nhà văn, em thường khó bình tĩnh. Có lão sang Mỹ thì khen Mỹ nhưng về lại chửi. Lâu nay em không dự quốc khánh Pháp vì thế. Rồi Hương lại báo sứ quán Mỹ vừa hỏi có dự không. “Hỏi lạ thế? Không muốn mình đến à?” Lạ là dấu hiệu của hiếm. Mà hiếm thì thường quý. Có thể sẽ có một cái gì đáng chú ý. (Hương cười cho rằng tôi đang dỗ con nít). Từ ngày lập sứ quán nay họ mới mời, tôi nói. Không đến người ta lại nghĩ mình rét… Có lẽ phải tìm một chỗ khuất ngồi vậy. Mười rưỡi tối 4-7, tôi điện thoại gọi Hương:

– Sao? Có phải nặng nề với đồng nghiệp nào không?

– Không a… a… ạ. Chữ ạ kéo dài, vui.

– Có gì đặc biệt không?

– Không biết nữa… Mai, va… â… âng, tối mai anh đến chỗ ấy nhá.

– Nếu góp ý mà làm phiền gì thì xin lỗi…

– Các cụ nói đúng: gần mực thì đen.

Tôi hơi ngấn ra. Tối sau ở một nhà ăn, tôi mới biết trong giới văn hoá văn nghệ, đại sứ quán Mỹ mời chỉ một mình Hương.

– Sao nói cái gì gần mực thì đen, Hương?

– Không thích nói gần đèn thì rạng.

Lan man chuyện trong Thuỷ Tạ sau đó. Tôi nói Time phỏng vấn Hun Sen (thủ tướng Campuchia – B. T), hỏi bây giờ ngài đánh giá Mỹ thế nào thì trả lời xưa ta hiểu lầm nhau, nay chúng tôi thấy may mắn là không có kẻ thù. Chúng tôi vừa ký với Mỹ một hiệp định tình báo. Bắt được Tà Mok Đồ Tể, chúng tôi thông báo ngay đầu tiên cho đại sứ Mỹ Kenneth Quinn. Khác ta xa. Hương nói tối qua Trần Đức Lương đến đại sứ quán Mỹ, có giới thiệu và Hương trông thấy nhưng báo đài ta im. Sợ mất thể diện Nhà nước cộng sản à? Ở vùng này Thái Lan mở cửa sớm nhất ra với phương Tây. Cùng thời với Minh Trị Thiên Hoàng Nhật. Thế kỷ 17, vua Naraiđâ mướn Constantine Phaulkon, một người xứ Venise Ý làm tể tướng! 1833 Thái Lan đã lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Đầu những năm 30 thế kỷ 20 thì vua Thái Lan đến Nhà Trắng. Chắc là đọc “Thoát Á luận” của một học giả Nhật lúc đó. Quyển sách hay đến nỗi vua Nhật cho in 2 triệu quyển. Còn triều Nguyễn ta hầu quốc nên vẫn ngưỡng thiên không dám thoát khỏi châu Á để lấy ánh sáng phương Tây. Đến nay đối mới để lấy ánh sáng đồng tiền của chúng nó thôi. Có cái này hay: Nhà Thanh Trung Quốc khinh phương Tây nhưng tên các nước Âu Mỹ chuyển sang tiếng Trung Quốc lại đều hay đều đẹp. Mỹ, Hoa Kỳ, Anh Cát Lợi, Pháp… Có thể dùng chữ mai âm na ná mỹ để thay cho me trong america nhưng cứ phải là mỹ. Rồi cờ sao thì thành cờ hoa, Hoa Kỳ. Chắc tại kẻ dịch là trí thức Trung Quốc vốn trọng trí tuệ, khoa học phương tây, khác vua chúa. À, Bruno cởi truồng lẽn giàn hoả, khi cha cố rửa tội thì quay đi nói: Chân lý là vô hạn. Người đầu tiên nói ra bản chất vô hạn của chân lý. Khác chủ nghĩa Marx. Với anh này thì chân lý có hạn. Bởi anh ta là cái nút đóng kín chân lý lại mất rồi, không gì vượt được anh ta nữa. Einstein nói: chẳng có nhà bác học nào suy nghĩ bằng công thức. Theo ông, cái đẹp đẽ nhất mà con người được thể nghiệm là cõi bí ẩn. Einstein có nói đến Lão Tử, Đạo Đức Kinh, người 2.500 năm trước đã nói: bí mật là cửa dẫn đến hiểu biết. Quá giỏi! Bí ẩn chính là dạ con của trí tuệ. Coi mình giải thích được hết thì hết. Khốn khố là chân lý gần như đều phải ra đời trong nước mắt và máu. Bởi luôn là từ trong mù mịt ló ra nên dễ bị coi là cố tình cà khịa, quấy thối trật tự hiện hành. Nói ra thì đúng nhưng buồn: khi thoát khỏi lối suy nghĩ cũ lại thường thấy mình vô cố nhân, Tây xuất Dương quan vô cổ nhân, câu thơ Đường này quá hay.

Ch37

ùng này dạo này đi lại nhộn nhịp. Clinton đến Việt Nam thì ngay sau đó Giang Trạch Dân đến Lào, đến Campuchia. Rồi Trần Đức Lương sẽ tới Campuchia, Sihanouk mời. Thế nhưng mai khách lên đường thì hôm nay chủ kiếu: “phản động Campuchia” nổ súng ở Pnom Penh, biểu tình đập phá phản đối Việt Cộng viếng thăm và đòi truất Hun Sen, “tay chân Việt Cộng”. “Phản động” Campuchia không chịu khép quá khứ, không chịu cho đông đà sang xuân. Có thế nhưng tôi e có lẽ còn có cả vị hàng xóm trên cao nữa xía vào. Từ thời đánh Pháp, vị giúp Việt Cộng để vừa phá vòng vây đế quốc vừa mượn Việt Nam làm thang leo lên trên trường quốc tế. Không chỉ thế, về lâu dài vị còn lôi Lào và Campuchia về quỹ đạo của mình. Năm 1981, trong phong trào vạch mặt âm mưu Trang Quốc thôn tính Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tin Lý luận Hà Nội đã dịch bài Giải quyết chiến tranh Đông Dương 1954, của một nhà nghiên cứu Pháp và giới thiệu như sau: “Trong hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương, những người lãnh đạo Trung Quốc đã cùng với đế quốc Pháp thoả hiệp về một qiải pháp có lợi cho Trung Quốc và Pháp, không có lợi cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia. Họ đã hy sinh lợi ích của nhân dân ba nước Đông Dương để đảm bảo an ninh cho Trung Quốc ở phía nam, để thực hiện mưu đồ nắm Việt Nam và Đông Dương, đồng thời giữ vai trò là một nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế: Trước hết là ở Châu Á”.

Lạ là chúng ta hay quên. Lạ nữa là ai nhớ dai thì bị đánh. Do ít quên, tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Đức Thuận mà tôi mến. Một mình ông phó bí thư xứ uỷ từng giữ hai vai trò quan trọng: một nằm vùng ở miền Nam chỉ đạo đánh Diệm; một nằm vùng ở Campuchia trông coi Đảng cộng sản Campuchia và Sơn Ngọc Minh làm cách mạng, việc mà chắc chắn Sihanouk quốc trưởng hợp pháp, hay bất cứ nhà nước tự trọng nào, đều phản đối. Đảng cộng sản Đông Dương đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng Campuchia độc lập rồi, đảng vẫn phải nằm vùng tại đó vì đảng còn cần đến Campuchia và Lào để giải phóng miền Nam và giúp họ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Y như Trung Quốc giúp Việt Nam. Vì “quốc tế” một mà vì mình hai. Hơn nữa, độc lập của Lào và Campuchia là Pháp cho, vẫn còn nhà vua, vậy đảng phải đánh đổ vua của họ để đưa họ tiến lên cùng chung lãnh thổ xã hội chủ nghĩa. Nên lướt lại một đoạn lịch sử. Năm 1920, Liên Xô chi tiền lập Đảng cộng sản Pháp, năm sau chi tiền lập Đảng cộng sản Trung Quốc. Đến lượt mình, Trung Quốc chi tiền lập rất nhiều đảng ở khu vực, trong đó đáng gờm nhất và cũng chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh nhất là cộng sản Indonesia, Mã Lai, Philippines. Theo Lý Quang Diệu trong nhóm người lập ra Đảng cộng sản Mã Lai có Nguyễn Ái Quốc. Nhưng lúc ấy chưa có phe nên Cụ thiệt, đành nằm trong bóng tối không được tôn thờ như Che Guevara. (Và theo sách Ngô Kính Nghiệp nhất sinh của tỉnh uỷ Quảng Đông thì thư ký của Nguyễn thời đó là Ngô Kính Nghiệp, người đã bị Lê Đức Thọ sai giết ở Tuyên Quang đầu 1948 cùng một loạt đảng viên Trung Quốc khác). Fareek Zakaria, một nhà báo tên tuổi Mỹ nói Mỹ sai tầm miết khi cho rằng khối cộng sản keo sơn như một nên không thọc vào phá. Thật ra lục đục nhất hạng. Đó, xem Xô – Trung, Trung-Việt rồi Việt Nam – Campuchia…

Hãy trở lại việc Chủ tịch Trần Đức Lương bị kiếu thăm. Cách đây ba chục năm ai ngờ mối tình hữu nghị trong sáng, mẫu mực, thuỷ chung Việt – Miên – Lào có ngày vỡ. Ai trong đảng đã hất Sơn Ngọc Minh đi mà đưa Pol Pot lên thay để cho đảng bộ Campuchia vào tay Bắc Kinh? Tôi đã hỏi Nguyễn Đức Thuận. Anh nói lúc ấy anh bị Diệm bắt rồi nên không rõ. Có lẽ vì bí mật anh không bảo tôi ai thay anh bên đó và chịu trách nhiệm việc thay ngựa giữa dòng này. Một tài liệu nói Sơn Ngọc Minh sang Bắc Kinh chữa bệnh đã bị đầu độc chết. Nhất định phải có cốp Việt Cộng nào đưa ông sang bên kia làm lễ tế thần? Ở mặt nào đó, Việt Cộng đã cõng rắn cắn mất toi chí cốt Campuchia.

Giá như Đệ tam Quốc tế không bắt lập Đảng cộng sản Đông Dương để Việt Cộng phụ trách cả Lào Cộng lẫn Khmer Cộng, giá như 1950, Stalin không giao Việt Nam cho Trung Quốc phụ trách và giá như xưa kia Việt Nam đã ký cam kết như hiện nay là không cho nước khác mượn nước mình tiến công nước thứ ba? Dân người ta thích vua thì để người ta có vua, cớ gì nhân danh cách mạng hạ vua người ta xuống? Giả dụ có thằng bảo thủ mà mạnh nó nhân danh cái gì đó đến hạ cộng sản xuống thì sao? Trong chuyến tàu vét của đợt 300 ngày cuối cùng Việt Cộng tập kết ra Bắc năm 1955, có một chuyện đặc biệt: Lê Duẩn lên tàu, làm thủ tục đăng ký với Uỷ ban Quốc tế đày đủ đâu đấy nhưng tối đến, Lê Duẩn và một số người quay lại, tại Cà Mau, tất nhiên với sự giúp đỡ của thuyền trưởng và vài ba thuỷ thủ Ba Lan. (Và nếu họ nay lên cơn hồi ký ôn lại! Và nếu có điều kiện mà xem lại thời gian này có trùng với việc Võ Nguyên Giáp cùng đại sứ La Quý Ba vào tận sát vĩ tuyến nghiên cứu trận địa để đề ra phương án tác chiến tương lai không?) Cùng Lê Duẩn lên lại bờ hôm đó có một số lập tức đi Biên Hoà và bắt đầu một cuộc thám hiểm ra Bắc ròng rã sáu tháng qua nẻo Trường Sơn (nhưng lúc về mất có bốn tháng) tìm lối mở đường Nam tiến mà sau này gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh.

Và Sài Gòn chẳng lạ gì sự kiện này. Những người từng ở trong bộ phận tìm mở đường sau này bị bắt đã khai báo đầy đù, không phải chuyện vu khống láo xược. Ngày nào ở Bắc Kinh Đại học, một sinh viên “phái hữu” đã nhờ tôi chuyển thư cho đại sứ quán ta phản đối chính phủ Hà Nội đưa quân vào chuẩn bị chiến tranh, vi phạm hiệp định Genève và tôi đã cự tuyệt thẳng thừng. Cho là Tổ quốc bị xúc phạm ghê gớm. Không thấy vì chủ nghĩa Mác-Lê mà một nửa tố quốc quyết táng chết nửa tổ quốc theo chủ nghĩa tư bản kia. Kỷ niệm 50 năm mở Đường Trường Sơn, báo chí rồi hội thảo hết lời ca ngợi động lực mở đường Hồ Chí Minh là “khát vọng tự do”. Vâng, khát vọng tự do của Việt Cộng là cao nhất nên để thoả mãn nó, đảng đã thoải mái bóp chết khát vọng tự do của nhân dân Việt, của hai hoàng gia cùng nhân dân Lào và Campuchia. Cũng thế, coi khát vọng tự do và giải phóng của mình lớn hơn khát vọng tự do và giải phóng của Việt Nam nên Trung cộng đã “giải phóng” Hoàng Sa rồi Trường Sa. Chắc có ngày Bắc Kinh sẽ hội thảo khát vọng tự do đã là động lực cho họ chiếm đứt Biển Đông? Ôi, tự do, tự do! Mi để cho những cái lưỡi độc tài lợi dụng mi nhiều nhất để gây tội ác. Biết bao bí mật bị giấu kín! Một thí dụ nhỏ: Lê Hoài Cận ở Cục chuyên gia, làm phiên dịch ở đại sứ quán Algeria bảo tôi: Ta cho Arafat (lãnh tụ Palestine – BT) mở mấy điểm huấn luyện đặc công… hình như là ở Hoà Bình! Những “chiến sĩ đặc công Palestin” ấy đã “đánh bom liều chết” ở đâu tại Trung Đông?

Tôi đùa: Do Thái nó biết nó cho biệt kích vào đánh thì lôi thôi. Buồn thay cho những nhân dân mà lòng yêu nước đã bị giam cầm vì mất tự do.

***

Tháng 10 năm 2000, Hà Nội liên tịch hội thảo với Bắc Kinh về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ trì, Nguyễn Đức Bình cho ra một bài dài về ngày mai ca hát của toàn cầu hoá xã hội chủ nghĩa. Trần tục hơn, đại biểu Bắc Kinh tóm tắt con đường ấy vào hai tay: Một tay mở rộng cửa đón tiền tư bản đế quốc đầu tư và tay kia đánh mạnh tham nhũng. Báo Nhân Dân đăng tham luận của Võ Nguyên Giáp. Ba ý: cách mạng Việt Nam “sớm nhất Đông Nam Á”, Việt Nam lập nước “cộng hoà dân chủ nhân dân đầu tiên” ở vùng này, bài học thắng lợi của kháng chiến là “gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội”. Tóm lại ngụ ý độc lập của ta được chủ nghĩa Mác-Lê chỉ đạo thì không những danh giá mà còn vững chắc hơn độc lập của các nước quốc gia ở Đông Nam Á. Bất chấp vừa xin họ cho vào ASEAN! Tôi đã thư cho ông. Viết rằng:

  1. Đại tướng nói “Việt Nam là nước thuộc địa đầu tiên đứng lên đấu tranh đưa cách mạng đến thắng lợi…” Xin nhớ cho là Indonesia nổi dậy trước ta, ngày 15 tháng 8-1945. Còn Philippines đã từng giành độc lập từ cuối thế kỷ 19. “Vả chăng đâu có nhờ cái đầu tiên này mà dân ta giàu mạnh đầu tiên ở vùng này? Cũng xin nhớ nước độc lập mà dân không tự do thì cũng chẳng nghĩa lý gì!
  2. Đại tướng viết “ngày 2-9-1945, một nước Việt Nam độc lập đã ra đời, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á”. Xin thưa: Đại tướng thêm hai chữ nhân dân vào sau Cộng hoà dân chủ là sai. Quốc hiệu đầu tiện của ta là “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Người như đại tướng thì không nên nhầm quốc hiệu.
  3. Đại tướng cho rằng “Thắng lợi lả do có đường lối chỉnh tri, quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng cộng sản Việt Nam gắn độc lập với chủ nghĩa xã hội”. Xin thưa không phải như thế. Từ 1945 đến 1951, đảng đã tuyên bố giải tán. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã phải tự phê bình là coi nhẹ cải cách ruộng đất trên tờ Pour une paix durable, pour une démocratie nouvelle (Vì một nền hoà bình vững chắc, vì một chế đệ dân chủ mới) của phe cộng sản. 1954, đến khi đại tướng lệnh đào hào vây Điện Biên Phủ mới cải cách ruộng đất, tức là chưa làm xong cách mạng dân chủ thì lấy chú nghĩa xã hội ở đâu ra mà gắn?

Cuối thư tôi nhắc đến việc Văn Tiến Dũng hồi ký “Đại thắng Mùa xuân” đã bỏ tên Võ Nguyên Giáp, may mà đại tướng sau này ra được hôi ký “Trong tổng hành dinh”, người dân mới biết phần nào sự thật. Tôi kết bức thư: “Tôi nghĩ càng yêu nước càng phải tôn trọng sự thật”.

Thư tôi gửi đại tướng cũng biệt vô âm tín.

Tôi chợt thấy rõ hơn phạm vi ứng dụng khẩu lệnh “ba không” Việt Cộng cóp của Diên An: Không biết, không nói, không nghe. Tao làm kệ tao, mày nói kệ mày. Mấy ngày sau, Đài truyền hình Việt Nam lại có bài ca ngợi Việt Nam là “Nhà nước công nông sớm nhất Đông Nam Á”. Tôi lại thư: Tôi rất xấu hổ phải là công dân làm hết mọi nghĩa vụ ở một nước mà Nhà nước của nó chỉ biết độc có công nông mà thôi. Hai hôm sau, Tiến – lúc này đã phó phòng chính trị Sờ công an Hà Nội đến. Cười cười: Ngọc (ai?) Truyền hình nó bảo anh vừa có thư chửi chúng nó.

– Mách nhanh nhỉ. (Bụng ngạc nhiên thật).

– Không, tình cờ bia bọt nó gặp nó nói.

– Này hỏi thật, khoe là công nông mà lại ngóng đô-la Mỹ thì có… thối không?

– Anh ơi, chúng nó biết quái gì, chấp làm gì?

– Nhưng chủ chúng quái. Ngày mấy bận Tivi véo von rót vào tâm trí dân châm ngôn mới Nghìn triệu dân đứng bên Đảng cộng sản Việt Nam, Khối kết đoàn công nông bền vững Thế thì nên cho bọn phi công nông bị gạt ra rìa được học cụ Lạc Long Quân làm lại vở thuyền nhân (con) Rồng (cháu) Lạc ra khỏi biển quê. Khi Tiến đi rồi, tôi thấy tổ tiên tôi, Lạc Long Quân và bà Âu Cơ té ra quan niệm rất thoáng về tổ quốc. Chỗ nào nuôi được nhau thì đó là tổ quốc. Rồi lại thấy mình ú ớ. Tổ tiên nào? Theo sách Trung Quốc, Lạc Long Quân là con Lộc Tục, Lộc Tục là cháu sáu đời cửa Viêm Đế tức Thần Nông mà bản quán ở hồ Động Đình Hồ Nam, quê cụ Mao. Nhưng nghĩ đến đấy lại thấy lại cái cảm giác huyền bí và huyết thống phập phồng trong lòng đứa trẻ là tôi lúc nó ngửa cổ lên tìm ông Thần Nông trên vòm trời đêm mà người lớn chỉ cho: “Kìa, cong lưng ngồi bó gổi đấy, trông thấy mũ tròn cao có tai giống như mũ vua bếp không, à lưng rõ là tròn chưa? Cụ ngồi nghĩ đấy… ?” Lên bốn lên năm tôi còn bị doạ: “Có nín đi không thì Tàu ô kìa kia…!” Sao lại ô? Ô là đen. À, quân Cờ Đen phụng mạng Hoàng đế Mãn Thanh sang bảo vệ hầu quốc Việt. Đánh Pháp là chính nghĩa nhưng chắc có cướp bóc, hãm hiếp dữ thì dân Việt mới gọi giặc Tàu ô. Ngày bé vẫn lởn vởn trong tôi câu ca phảng phất một một chút gì buồn, tủi, đừng chờ mong. Ai ơi chớ vội làm giàu, Thằng Tây nó tếch, Thằng Tàu nó sang. Tây với Tàu thay nhau ở xứ này ư? Đến trường, thằng bé là tôi học: Thục Phán An Dương Vương, vị vua đầu ở Việt Nam nhưng mang máu Hán. Rồi lại học tổ tiên chúng ta là người Gô-loa. Khác ở chỗ Hán làm vua nước ta là ta tự nguyện nhận còn tổ tiên Gô-loa là kẻ xâm lược quàng vào cố.

Ch38

ội nghị trung ương lần thứ 11 họp trước Tết Tân Tỵ chừng nửa tháng. Tin đồn lan rất nhanh: Lê Khả Phiêu về vườn. Không lâu lại đồn ầm là “vẫn giữ Lê Khả Phiêu”. Trong số người nói thế với tôi có Lê Tiến, phó phòng chính trị Sở công an Hà Nội: Bộ chính trị đề nghị giữ lại, anh ạ, Tiến khẳng định ở nhà tôi. Bật ra một câu khá hay của Trần Đức Lương ở Đại hội đảng bộ Nghệ An rồi không bao giờ nhắc lại nữa: “Phải thấy cái nhục về cảnh đất nước lạc hậu, nhân dân đói nghèo!” (báo Nhân Dân). Xưa Việt Minh luôn xoáy vào “cái nhục mất nước” để kêu gọi cách mạng. Nay không thể xoáy vào nhục lạc hậu, đói nghèo. Để kêu gọi đánh đổ ai đây? Nhân các dịp đại hội, lễ lạt, báo chí thường đề cao Đảng rồi tinh hoa dân tộc. Sắp Đại hội 8 (1996J một y sư lên truyền hình nói người Việt Thường, tổ gốc của Việt, đã sáng tạo ra châm cứu. Một giáo sư y học tên tuổi bèn bảo tôi: Nói phét không biết ngượng! Sáng tạo gì mà thuật ngữ toàn chữ Tàu, đấy xem, từ kim, di, ấn, huyệt đến cứu, châm… có phải toàn là tiếng Tàu không? Thế này chắc là Việt Thường hồi ấy sang phải đè cá đống Tàu ra hoa chân múa tay thị phạm cho nó nắm được nội dung khoa học châm cứu của mình rồi nhờ nó chuyển dịch sang ngôn ngữ nó để giúp ta lưu lại hậu thế.

Sau đó, một tờ báo lại viết người Việt là tác giả của Kinh Dịch. Vị giáo sư bác sĩ trên kia lại lắc đầu bảo tôi: Thế này rồi mai kia chúng ta sẽ nói chúng ta đẻ ra Internet. Rồi tờ Nhân Dân cuối tuần đăng một bài nói Phục Hy, cụ tổ nhân lên giống Trung Quốc chính là người làng cần Kiệm, huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây, ngay dưới chân núi chùa Tây Phương, nơi cơm thuần có một thức ăn là hẹ, nơi Cụ Hồ rút khỏi Hà Nội về Chùa Thày (tập lại xe đạp) rồi đến ở đó trước khi vượt Trung Hà lên Phú Thọ, nơi tôi đã đến sống mấy tháng khai cung. Đúng là linh địa, miếu địa.

Tôi bảo vị giáo sư trên kia thì ông thở dài: ông ơi, mất biển, đất, đảo cho thì ức nên ngồi tranh tổ tranh tông với . Bánh chưng là sáng tạo của ta mà hoàn toàn chữ Tàu, đúng chứ, tôi hỏi ông? (Tôi gật) ông có nhớ ngày mới xong chiến tranh, các ông ấy nói sao không? Nói Mỹ sẽ bồi thường cho một khoản đô-la mà quy thành vàng rồi đem đúc ra thì phải to bằng năm cái Nhà hát lớn. Hội Phụ nữ đã lên kế hoạch cho mỗi cán bộ nhân viên một sổ tiết kiệm 500 đồng ăn cả đời nhoè. Rồi lại còn thế giới tư bản đang thèm rỏ dãi ra với ta. Vâng, tất tần tật dầu lửa thế giới chúng nó so với trữ lượng dầu lửa của ta thế nào? Ta bằng con voi thì thế giới bằng cái tem 80 xu dán lên mông voi. Rồi thằng Nhật thèm khói nhà máy xi măng Hải Phòng lắm, lạy van ta bán cho nhưng ta đâu dại! Khói chiến lược cơ mà! Lại cả bãi cát trắng gì đó ở Khu 5, Nhật tơ tường đếch ngủ nổi. Cát ấy là cát chiến lược! Anh em bảo mèo vùng ấy cũng chiến lược. Mèo chiến lược mới được đào cát chiến lược lên mà giấu cứt chứ? (Ấy, đã đứa nào xin nhập cứt mèo chiến lược chưa, tôi đùa theo). Vâng. Xin lỗi, nói phét lắm! Theo y học, khỏe phét lác tự đề cao là vĩ đại cuồng, một chứng bệnh tâm thần. Có dạo anh Lê Duẩn nói lương tôi hơn lương cơ bản có mấy chục bạc, nghĩa là nếu sức sản xuất ta lớn như Liên Xô thì ta cộng sản lâu qua đi rồi vì quan hệ sản xuất ta ưu việt hơn Liên Xô, chỗ này nó kém ta vì nó bị xét lại.

Nhưng hãy trở lại Đại hội đảng. Đang chờ thì bỗng các thư động trời tới tấp quăng ra. Nguyễn Đức Tâm vạch tội Đỗ Mười, Lê Đức Anh vi phạm nguyên tắc vận động phế Lê Khả Phiêu. Vạch Lê Đức Anh khai man lý lịch. Mấy lão tướng như Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Đồng Văn cổng… cũng tham gia tố giác. Nêu tên cả ba cô bồ nhí của Tổng bí thư, hai cô là gián điệp mà một là gián điệp của Đức”.

Phiêu còn hay rớt? Nghe đồn bị dồn đến đường cùng, Phiêu đã vung lên một tờ giấy nói ai gửi tiền ở ngân hàng nào, bao nhiêu đô tôi biết hết, ít nhất 200 trương chủ, người nhiều nhất 2 tỉ đô. Tin đồn tóm lại nhiều vô kể. Có lẽ Đại hội 8 để lộ ra nhiều chuyện giật gân nhất. Cho thấy chất lượng nhân sự chóp đỉnh nay không ra thể nào và nội bộ chóp đỉnh đá nhau ghê quá. Vẫn còn lại bí mật sau: tại sao hai cố vấn từng đôn Phiêu lên thì nay lại quyết kéo xuống? Và: nếu Phiêu Tổng bí thư miết cho đến 2006 thì liệu có việc vào WTO không?

Tờ Người quan sát mới (Le nouvel Observateur) của Pháp viết: Ban chấp hành trung ương đã không nghe đề nghị của Bộ chính tri giữ Lê Khả Phiêu lãnh đạo một thời gian nữa (obtenir une reconduction). Báo này gọi Phiêu là người “siêu bảo thủ” và có xu hướng “độc tài”. Nhưng sao Bộ chính trị lại khác ý hai cụ cố? Và Ban chấp hành trung ương sao lại theo hai cụ?

Trung tuần tháng 4-1996, giữa lúc họp Đại hội 8, tờ Washington Post viết: Tàu sân bay Mỹ Kitty Hawk đi đến một vị trí ở biển Nam Hải để có thể từ đó phóng máy bay chiến đấu bảo vệ các chuyến bay thám thính Mỹ sẽ cho bắt đầu lại ở bên ngoài bờ biển Trung Quốc. Nghĩa là Mỹ gửi tín hiệu để Trung Quốc đừng can thiệp vào các vận động của Việt Nam nhằm giúp Việt Cộng giành kiểm soát quyền lực. Một báo Mỹ cho rằng Bắc Kinh ngãn cản tự do hoá của Miến Điện và Việt Nam, hai phên giậu bảo vệ cho chế độ độc đảng độc trị của Trung Quốc đứng vững. Việc hạ Phiêu diễn ra trên đầu dân ù ù cạc cạc. Đáng chú ý là một tài liệu chui của Nguyễn Chi Trung, thư ký riêng của Lê Khả Phiêu viết tố cáo Đỗ Mười. lộ ra quá nhiều bẩn thỉu, đê tiện trong khâu nhân sự cao nhất. Dù là cộng sản và đều ở lớp chóp bu nhưng anh xuống thì gọi anh lên là đê tiện và anh lên thì gọi anh xuống là bẩn thỉu. Mà toàn ngồỉ trên đầu dân. Sức mạnh tàn phá ở trong nội bộ lãnh đạo chóp bu của cộng sản ghê gớm thật! Dư luận trong thời gian Việt Cộng chuẩn bị đánh ngã nhau này xì xào rằng Lê Đức Anh đánh Phiêu 10 điểm: 1. Bán đất, bán biển cho Trung Quốc (thú vị là Phiêu đã chủ trương tranh chấp biển đảo chỉ song phương Việt – Trung, không cho ASEAN dính dáng, trúng phắp với chủ trương Bắc Kinh). 2. Lộ ý đồ bí mật chiến lược với Giang Trạch Dân (nói rõ Việt Cộng luôn coi Mỹ là kẻ thù). 3. Hoãn ký Hiệp định thương mại Việt – Mỹ. 4. Thành lập A10 nhằm lật đổ nội bộ. 5. Quan hệ với gái và gái gián điệp hẳn hoi (Đỗ Mười đưa cả ảnh Phiêu ngồi với Thị Dung, Thị Hà và một nữ gián điệp của nước ngoài nữa v.v… Chết cái Tổng bí thư vốn có tiếng háu gái… vớ vỉn, à uôm các cô “chị nuôi” trung đội từ thời còn làm giáo viên văn hoá trung đội ở sư 304). 6. địa phương chủ nghĩa: Thanh Hoá hoá, (một kết quà còn lại về lâu về dài là Tô Huy Rứa) vân vân và vân vân.

Trước đại hội, Tiến an ninh đến. Hỏi anh có định viết gì cho Trung ương không?

– Cũng có thể, tôi đáp.

– Anh viết gì?

– Cũng chưa rõ…

Đúng thế. Cuối cùng lại gửi Bộ chính trị qua ông Nguyễn Phú Trọng, người trông coi lý luận của đảng và nghe đồn cố vấn Đỗ nhắm cho làm Tổng bí thư, một thư nói về “độc lập dân tộc phải gắn với chủ nghĩa xã hội”. Thư tôi viết: Có một nét nên nhắc lại là trang lịch sử Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, các nước xã hội chủ nghĩa đều đã từng đánh nhau, lật nhau dữ dội. Hãy xem Việt Nam đã chiến tranh với ai? Dạ, với những bốn nước. Thi hai là đế quốc Pháp, Mỹ, và hai chủ nghĩa xã hội lả Khmer Đỏ và Trung Quốc. Tỷ số “xâm lược” Việt Nam của đế quốc và xã hội chủ nghĩa thế là huề. Nhưng khốn thay, đế quốc thua, vẽ không, xã hội chủ nghĩa thì lại vớ đất, hiển, đảo. Cuối thư tôi viết Đảng nói chủ nghĩa xã hội là con đường Bác Hồ đã chọn. Xin chưa xưa nay không có ai hiểu “chọn” là đồng nghĩa với đúng. Khi thư gửi đi rồi mới vớ được một tài liệu. Lời Goebels, trùm tuyên huấn quốc xã Đức kêu gọi dân Đức trên đài phát thanh ngày 28 tháng 2 năm 1944 mà nhà vãn Nga Vassili Axionov dẫn trong sách Trường truyện Mát-xcơ-va: “Kẻ thù của chúng ta (lời trùm tư tưởng văn hoá quốc xã) lôi kéo chúng ta vào cuộc chiến tranh này vì tấm gương của chế độ xã hội chủ nghĩa chúng ta đe doạ hệ chính trị lạc hậu của chúng. Nếu chúng ta thua chiến tranh này, nước Đức sẽ mất chủ nghĩa xã hội. Một khi chiến thắng được bảo đảm rồi, chúng ta sẽ cho phục hoạt trở lại các dự án xã hội chủ nghĩa chính yếu của chúng ta…” (Tôi nhấn và chú thích: Hitler là chủ nghĩa xã hội nhưng quốc gia – quốc xã phân biệt với chủ nghĩa xã hội quốc tế tức Cộng sản).

Nhân đà viết, tôi cũng viết cho Trưởng ban tư tưởng Hữu Thọ một thư, coi như lổng kết thời kỳ ông tênh tênh gánh tư tưởng đất nước trên đôi vai gầy. Kể ra các hài hước ở công tác tư tưởng, trong đó cái hài nhất là hễ mùa xuân đến thì đảng lại căng lên ở khắp nước khẩu hiệu “Mừng đảng, mừng xuân, mừng đất nước”. Tôi nói thế là rỗng. Chê cho một hồi. Ông Trưởng ban thư trả lời: “Ông chửi tôi nhiều lắm”. Tín hiệu miễn chiến bài: Tôi không cãi, tôi ghi nhận ông chửi tôi nhiều và ông hiểu cho thế là tôi đã biết.

***

Đây là vải râu ria hậu sự của nhân sự Đại hội 8. Nguyễn Hưng Định, nguyên tlur ký cao cấp của phó thú tướng Lẽ Thanh Nghị, người đã dự cuộc biểu dương lực lượng trong đó Hồng Vệ Binh Bắc Kinh đả đảo Võ Nguyên Giáp tay sai xét lại, bảo tôi: Tôi nói cho ông nghe chuyện này, chính Lê Đức Bình, nguyên Trưởng ban nội chính nói với tôi. Tổng bí thư mới đã yên vị, một hôm Đỗ Mười đến nhà Bình, gần nhà bà Thanh phụ trách Đời sống mà ông biết đấy, và chếch bên kia đường nhà Định, hỏi, “Này thằng Phiêu nó xin làm trợ lý an ninh quốc phòng cho thằng Mạnh, cậu thấy sao?” Bình đáp: Để anh ấy vào chỗ quan trọng ấy thì nguy to có ngày anh ạ. Ít lâu sau, Mười lại đến: “Này, không được làm trợ lý thì Phiêu lại xin cho nó dọn nhà đến ở gần Bộ chính trị?” – Dạ, không nên, anh ấy sẽ tung tin cho người của anh ấy nghĩ rằng anh ấy vẫn thao túng được Bộ chính trị. Ít lâu sau lại: “Này, tớ định cho thằng Hữu Thọ nó làm trợ lý thứ nhất cho thằng Mạnh” Bình vội gạt: “Chớ chớ anh ạ, cậu Hữu Thọ này là phần tử cơ hội số một của đảng ta đấy. Bài hắn phê phán chủ nghĩa cơ hội là hắn tự soi gương mà viết”. Nhờ Bình can, Hữu Thọ chỉ là một trong ba trợ lý của Mạnh – Hết đời cố vấn rồi mà vẫn thao túng, vẫn gọi xách mé nó với thằng này thằng kia ráo cả, như đùa. Lão coi cái nước này như nhà lão vậy. Đây, Thọ Oth đây này, Thọ Oth nói với tôi chứ ai? Đỗ Mười lãnh đạo là nghe mẹo Hữu Thọ. Tổng bí thư học đến lớp ba và quân sư Thọ thì lớp năm lớp sáu. Hay như mới công bố đấy: hơn một trăm vị về hưu đã hơn mười năm mà vẫn lĩnh nguyên lương như lúc tại chức. Không tha cả tiền ăn trưa và lương cần vụ! Trong đó có một ông nhà báo được mệnh danh là ông Phát Sáng đấy. Không biết Phát Sáng là ai à? Phan Quang! Tính ra thấy họ toàn là đùa với nước với dân thì đã quá muộn – đấy, ông xem, cha bố đến thế này. Đỗ Mười và Nguyễn Văn Trân không cho đặt tên phố Lê Thanh Nghị. Sau đặt được là phải nhờ Hội đồng nhân dân phường. Số là từ hồi Khu 3, Đỗ Mười dưới quyền Nghị bí thư khu uỷ hay bị Nghị “uốn nắn” mà. Tôi rất vui: Khối thống nhất của đảng xem chừng rạn nứt ghê gớm. Nơi nơi chê đảng, người người ngán đảng.

***

Sau Đại hội đảng của Việt Nam ít ngày, Trung Quốc tuyên bố cấm đánh cá hai tháng trong vùng biển Việt Nam. Nửa tháng sau ra lệnh bổ xung: Cấm thêm hai tháng đi lại ở vùng biển ấy vi Trung Quốc “tập bắn đạn thật” Việt Nam phản đối nhỏ nhẻ, tôi không lạ. Quen nết rồi. Lạ là sao “bạn” lại dữ ngay sau đại hội Việt Cộng như thế. May sao có “kẻ thù chung” để cho Việt Cộng lớn tiếng quát sang hướng khác: máy bay trinh sát Mỹ do thám Trung Quốc đụng máy bay chiến đấu Trung Quốc phải hạ cánh xuống Hải Nam. Tội này lớn hơn tội cấm ta ra vào biến của ta, nên báo ta cho một trận trợ chiến với “bạn” sôi sục dài ngày. Đòi Mỹ chấm dứt do thám, chấm dứt xâm phạm vùng biển vùng trời Trung Quốc. Ngày 5 tháng 6 năm 2001, có lẽ để kín đáo đáp ơn Trung Quốc hôm trước vừa lại cho Việt Nam được “tự do” ra vào biển Việt Nam, báo Nhân Dân đưa tin mừng Đảng cộng sản Trung Quốc đã phát triển tới hơn 64 triệu đảng viên kèm đầy đủ các thứ tỷ lệ công, nông, trí, thanh niên, phụ nữ. Vẫn cái nếp kính đệ, kính bẩm thiên triều: Giang Trạch Dân đến thì xã luận cả tới lẫn về, Clinton được một (xã luận) là phúc tổ! Bởi kính bẩm thiên triều nên trong thời gian Trung Quốc bắn đạn thật ở biến Việt Nam, soái hạm Mỹ ở Thái Bình Dương thì theo dõi mà Hà Nội dửng dưng. Hình như Trung Quốc là một vùng băng khổng lồ có sức làm tê liệt phản ứng của Việt Nam? Và để cho giá lạnh phương bắc nhẹ đi, Việt Nam phải luôn nóng mặt ngay lên với Mỹ? Một kiểu giải thích cần thiết về lập trường keo sơn vốn gắn bó Trung – Việt. Không, vâng, chúng tôi không nhị tâm, quyết không mà, có Mác-Lê, Mao Chủ tịch chứng giám. Trữ lượng dầu khí Biển Đông chiếm 35% trữ lượng dầu toàn thế giới. Ai sẽ nắm vùng này? Thế giới và nhất là các nước trong vùng đều bàn đến. Bắc Kinh im. Việt Nam cũng lặng thinh. Chắc muốn tỏ nhất tâm.

Ch39

ùi Sơn, con trai Bùi Lâm, “người cộng sản Việt Nam thứ hai” – theo lời Hoàng Tùng, người thứ nhất là Nguyễn Ái Quốc – đến đưa tôi mấy bức ảnh sao chụp mấy trang số báo L’ Impartial ngày 4-5-1933 tường thuật tỉ mỉ các phiên toà Đề hình Sài Gòn xử mười mấy người cộng sản. Tờ báo, ở Thư viện Sài Gòn, vạch ra âm mưu xấu của chính quyền Pháp đem họ xử chung với hơn một trăm tên trộm cướp, mưu gây ấn tượng họ cũng chỉ là đám tội phạm hình sự tầm thường. Tôi trân trọng trách nhiệm của Bùi Sơn đối với lẽ phải và bố anh. Tôi thấy được đối tượng phản cảm của anh tuy anh không nói trắng ra và tôi không yêu cầu anh nói. Ở đây tôi kể lại chuyện này vì nó còn cho thấy hai điều đáng suy nghĩ. Tôi đã ngậm ngùi đọc mấy trang L’ Impartial. Có lẽ chả bằng chứng nào về một vụ án nào mà lại không rưng rưng một chính khí cảm nó khiến ta thấy xôn xao âm thanh và cuồng nộ. Một sợi giây nào đó vẫn nối liền lương tri và lẽ phải vào nhau. Đọc bài báo, tôi mới hiểu thảo nào trong Gửi Mẹ và Quốc hội, Bảy Trấn (Nguyễn Văn Trấn – BT) viết: Chỉ xin Đảng cho báo chí được hưởng tự do đôi phần của thời Pháp đô hộ. Té ra ngay ở xứ thuộc địa, báo chí cũng có lúc tự do như ở bên Pháp. Và tự nhiên tôi cũng thầm hỏi tại sao những người như Phạm Hùng, Lê Văn Lương sống sót được nhờ dân chủ Pháp mà lại sợ dân chủ ở Việt Nam? Báo chí Sài Gòn tự do đưa tin, vụ xử mười mấy người cộng sản động sang tận Pháp, gây ra làn sóng phản đối rộng rãi và chế độ thực dân phải nhận là nó cũng biết sợ dân do đó mà Phạm Hùng, Lê Vãn Lương thoát án tử hình và tôi có cái để viết Trong xà lim án chém (rồi bị ăn cướp cơm chim: xoá tên ở tư cách tác giả, điều mà hình như lúc xử ông Hùng, ông Lương không xảy ra ở xứ thuộc địa?) Một nét lý thú: Chế độ thuộc địa Sài Gòn cũng luôn phủ nhận nó có tù chính trị. Chế độ đẹp như thế này làm sao lại bắt tù chính trị. Không, chúng là tù hình sự, phạm pháp, phá rối an ninh trật tự. Bản chất giai cấp khác nhau nhưng độc tài nên lại cho ra những quyết định giống nhau. Phiên toà đầu tiên xử đày Côn Đảo Tổng bí thư Ngô Gia Tự. Ở Côn Đảo, ông cùng Tô Chấn – lẽ ra là Lê Duẩn – làm bè vượt biến bị bão mất tích do đó mà sáu bảy chục năm sau khổ thân Lê Giản phải lọ mọ tìm ra bằng được hai nhân chứng để xin cho Tô Chấn cái bằng liệt sĩ. Giá như Lê Giản có tờ báo này nộp đảng! Các nhà cách mạng lúc ấy đâu mà biết rồi có ngày các ông sẽ phải lọt các thứ cổng quan mới được thừa nhận tư cách chính trị. Bắn chết cò Legrand, Lý Tự Trọng bị tử hình, nhờ đó tôi cộp được vào ông mấy trang Kiều của ai đó để lại, làm nổi lên nết bản sắc đậm đà dân tộc: nhà thơ lớn của dân tộc vào xà lim án chém đề huề lưng túi gió trăng cùng chàng thanh niên cộng sản vốn là liên lạc viên của Ung Văn Khiêm và theo Khiêm thì hủ tiếu nó ăn hết veo hai tô bự, “mình vẫn mua cho nó mà”, Khiêm bảo tôi. Bị cáo thứ 33, Ung Văn Khiêm, mở đầu phiên xử ngày thứ hai. Nhận đàng hoàng là cộng sản, như một vinh dự, nói “không tán thành hành vi bạo lực” (chắc là chỉ việc ám sát mà luật pháp thế giới gọi là khủng bố) nên ông đã thôi chức bí thư xứ. Ban đầu phản đối bạo lực, cuối đời lại tiếp tục ủng hộ “hoà bình” nên mang án “xét lại”, bị khai trừ đảng. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời ông có lẽ là từ chối bạo lực. Trong phiên thứ hai này, sau Ung Vãn Khiêm đến các bị cáo Bùi Công Trừng, Bùi Lâm, Ngô Đức Trì. Trừng nhận mình cộng sản nhưng “cộng sản Pháp” đã học ở Pháp, ở Liên Xô, “không đánh nước Pháp” vì ông “chủ trương cách mạng tư sản dân quyền”. Cũng sợi chi đỏ không tán thành bạo lực xuyên suốt đời này làm cho vị “giáo sư đỏ” ở Côn Đảo cuối cùng đeo án xét lại và cũng như Khiêm, bị khai trừ khỏi đảng. Ngô Đức Trì khai hết, khai hết. Bùi Sơn nói tập báo quý như thế này nhưng ngoài cháu duy nhất lục tìm ra, tuyệt nhiên không một đảng viên, cán bộ, sử gia nào mó đến. Nó sắp nát mục rồi. Chú ạ, cháu nghĩ họ chỉ cần bỏ số tiền mua bốn chiếc vỏ xe hơi họ đang xài bây giờ là đủ phục chế như mới tập chứng tích này. Bùi Sơn đến tôi nhiều lần. Nhờ tôi viết hồi ký cho bố anh. Ở đám ma bà Tề, tức bà Vũ Đình Huỳnh; bà Hải vợ Bùi Lâm lại nhờ tôi hồi ký giúp. Gia đình Bùi Lâm cho rằng tôi viết Bùi Lâm tốt hơn cả. Tôi thật tình không thể giúp. Tôi đang bận viết về tôi mà không nói ra được. Ngay trước mặt Bùi Sơn, tôi đã phôn nhờ Hữu Mai giúp Bùi Sơn viết “người cộng sản thứ hai của Việt Nam”. Hữu Mai nể tôi từ ngày tôi không đến nói về viết hồi ký ở Viện văn học vì, như tôi bảo anh, tôi không thích nói dối lấy lòng họ rằng người kể bảo sao thì anh nhà văn cứ bào hao ghi theo y quân lệnh. Nhưng Hữu Mai nói đang viết Lê Quang Đạo với tên sách đâu như là Người lữ hành cô đơn. Nghe Hữu Mai nói tôi chợt nhớ Mao đã bảo André Malraux rằng ông là người lữ hành cô đơn với một chiếc dù. Tài thật ông nào cũng dạy người phải rèn luyện tính quần chúng nhưng đều thích đi la mát lẻ! – Bố cháu đến nay vẫn chẳng gì hết, nhà cửa, huân chương, mọi thứ v.v…, Bùi Son nói. Có người bảo cháu xì tiền là xong. Rất đúng, chú ạ, đúng thật mà, cháu không bịa, nhiều lão thành cách mạng đã làm rồi, chú ơi. Nhưng phải đấm mõm để lấy vẻ vang thì bố cháu ở dưới kia nhắm mắt thế nào được? Mãi khi về làm Mặt trận rồi ông Phạm Thế Duyệt mới đến xin lỗi, thế nhưng xin lỗi rồi vẫn đâu lại đấy, như không. Hồi đỏ chi bộ chưa biết lợi dụng cơ hội kết nạp đảng viên mới để nặn tiền. Đáng nặn quá chứ! Anh vào đảng lúc bí mật thì sau này chắc chắn anh lên to và quyền cũng như lợi của anh chắc chắn lớn, tức là anh trúng quả to thì phải lại quả trước cho chúng tôi mới phải chứ? Đùa thôi. (Thật ra tôi nói thế vì trong cán bộ đã xì xào phổ biến về chế độ nộp tiền mua quan, kể cả uỷ viên Bộ chính trị). Này, cụ Hoan kết nạp Trường Chinh vào đảng vẫn ở bên dưới nhà cháu chứ? – Vâng, Sơn nói. Bố cháu, người cộng sản thứ hai, người kết nạp Tổng bí thư cứ chui rúc hoài trong các hộ chung cư còn ông Duyệt thì biệt thự ngay gần đó. Nhưng Sơn ơi, những tên xưa “xấu xa” như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… nay đều lên tên phố cả rồi. Ông Phụng nằm mãi trong số đen vì từng viết “chửi Nguyễn Ái Quốc” mà ông già Hải Anh trong Giông tố là ám chỉ Nguyễn Ái Quốc đó. Rồi chống đảng. Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm nữa, cũng đã lên phố. Yên tâm đi, đảng không lờ bố cháu mãi được đâu. Vấn đề sớm muộn thôi. Vớt đứa “xấu” nhưng chết rồi lên chỉ làm cho đảng thêm tiếng đoàn kết, trọng hiền tài. Vài ba lần Bùi Sơn thắc mắc không biết sao sau này ông Sáu Thọ rất hay hỏi thêm bố cháu về Cụ Hồ. Bố cháu đều bảo các điều tôi biết về Bác tôi đã nói hết với anh rồi. Tôi bỗng thầm nghĩ: A, thế ra vẫn sưu tầm tư liệu về Cụ Hồ. Và nhớ đến Nguyễn Trung Thành từng nói với Kiến Giang đầu những năm 80: Anh Sáu Thọ như trời như biển, anh ấy nắm cả hồ sơ lý lịch Bác. Chưa là Tổng bí thư nhưng có khác nào Tổng bí thư. Hồ sơ lý lịch càng dầy dấu vết thì bàn tay khống chế, thao túng bộ máy càng dễ tung hoành. Ta nắm tổ chấy các người rồi mà! Bùi Sơn hay buồn rầu nói tới tình bạn của bố anh với Bùi Công Trừng. Hai gia đình thân thiết lắm, con cái coi nhau như anh chị em ruột, hai nhà gần như ngày ngày gặp nhau. (Tôi đùa chẳng thế Tây đánh số tù hai người liền nhau, ra toà cũng lần lượt kẻ trước người sau). Thế rồi cuối đời hai ông lại ốm và nằm Việt-Xô cùng nhà A1. Nhưng không tìm nhau. Mỗi khi ở phòng bệnh bố cháu đi ra, cháu đều thấy bác Trừng nấp sau khe cửa nhòm. Sau mới hiểu là bác ấy muốn xem bệnh tình bố cháu qua vẻ mặt cháu. Hôm bố cháu chết, phớt hết, chỉ mình bác Trừng nhào sang, phục xuống giường ôm lấy bố cháu khóc ghê quá.

– Chắc nhớ lại từ những ngày ở Paris, ở Côn Đảo, tôi nói.

Bụng nghĩ Trừng yêu thương bạn thân thiết thời xưa như thế nhưng không chịu được những cái lăng nhăng của đảng. Ông là người phê bình Cụ Hồ đã lập ra quan hệ bác – cháu trong đảng cộng sản. Và báo trước “cứ môi môi răng răng lắm cớ ngày răng nó cắn đứt hết mồi”. Cũng từng phản đối chính sách lương thực là chính, học theo dĩ lương vi cương, lấy lương thực làm cương lĩnh của Trung Quốc. Theo ông, căn cứ thổ nhưỡng trồng cây công nghiệp mà xuất khẩu được lời nhiều gấp bội lúa rồi đem lãi ấy mà mua lương thực. Cái “lấy lương thực làm cương lĩnh” đã đẻ ra phong trào “không để người chết chiếm mất đất của người sống” ở Trung Quốc. Là sao? Là dọn sạch các bãi tha ma đi để lấy đất làm nông nghiệp. Là như ở ta phá đàn Nam Giao để lấy đất trồng sắn! Có thể hiểu là không để cho vết tích phong kiến chiếm mất đất nuôi dân. Giống Kỳ Vân và một số anh em xét lại, Trừng không tán thành hợp tác hoá nông nghiệp. Bùi Công Trừng lén mò sang khóc trộm Bùi Lâm được vì Ban tổ chức trung ương chưa hay. Bùi Công Trừng chết, Ban tổ chức trung ương có lệnh chỉ được làm tang ở trong phạm vi gia đình, cấm ngoại thuỷ không ai được dự. Đã có lúc tôi định bảo Bùi Sơn: Thế ra ông Nguyễn Văn Thiệu cũng đã nói lên được một sự thật cộng sản “chớ nghe cộng sản nói, hãy xem cộng sản làm”. Nhưng không nói vì không muốn khoét sâu nỗi buồn của Bùi Sơn. Và cũng vì câu này thì nay ai cũng thuộc lòng hết cả rồi. Không biết chỉ có hoạ là giống ăn cơm chúa múa tối ngày. Nhân việc Bùi Sơn nhờ, tôi đã có mấy kết luận nhỏ. Đó là: 1. Báo chí thuộc địa được tự do bênh cộng sản. 2. Các đồng chí chí cốt luôn có khả năng biến thành phản bội, thù địch của nhau. 3. Và các lãnh đạo lớp đàn em, khi các vị Bùi Công Trừng, Bùi Lâm bí mật hoạt động thì dái mới bằng cái đầu đũa nhưng nay quyền to đến thế và lợi lớn đến mức choáng mất tầm nhìn nên đã quên đi tất cả. Ôi chao, đấu tranh cho công bằng, bình đẳng, xoá bỏ giai cấp, giải phóng loài người nhưng chủ nghĩa chúng ta kiên định lập trường, không cho tội phạm Bùi Công Trừng ôm khóc Bùi Lâm.

Ba nhận xét trên kia khiến tôi đưa việc Bùi Son nhờ tôi viết hồi ký cho bố thành một chương ở đây. Tạm coi như chương nói đến chuyện đảng đền đáp, yêu thương các bậc lão thành cách mạng ra sao. Xin cộng nó với cái đoạn về toa- lét của Lê Giản mà tôi nói đến ở một chương khác.

Ch40

ôi đã từ chối viết hồi ký Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh. Sau khi xin phép “sát hạch trí nhớ” Lê Thanh Nghị, tôi đã xin lỗi là không viết giúp ông được, (ông ngồi đó, Nguyễn Hưng Định thư ký của ông thay ông nói và nếu ông gật tán thành thì tôi sẽ ghi lại – ông không nhớ và nói không hấp dẫn). Nhưng cũng trong dịp này Nguyễn Hưng Định cho tôi biết ra ngoài việc xin viện trợ, phó thủ tướng Nghị có một bảo bối rất lợi hại là rượu rễ cau, thứ làm cho đàn ông rắn rỏi. Mấy vị thủ tướng ngoài, nhất là vị Hungaria, vô cùng chuộng nó. Có rễ cau là các vị ký viện trợ nhanh lắm? Tôi đã đùa bảo Định: Thảo nào Mỹ cứ nhè vùng cau quăng bom dữ. Và khéo mỗi viên đạn ta cũng có sức mạnh của rễ cau ngâm rượu. Định than rằng nhiều thành viên trong đoàn chính phủ sang các nước thường thuổng đồ dùng trong nhà khách chính phủ sang trọng của họ. Thuốc đánh răng, khăn mặt, bàn chải răng, xà phòng… Ở các chỗ này hễ thiếu thứ gì người ta lại lấy bổ sung. Có những cha mà va-li ních toàn những thứ như thế. Tôi chắc, Định nói, nhân viên nhà khách họ thừa biết chúng ta lấy chứ chả lẽ ăn à, nhưng ai lại đè đoàn chính phủ chống Mỹ ra khám va-li? Có một người lúc ấy tôi ưng viết. Xét từ phía nguyên vật liệu. Người ấy từ 1966 đã đặt cọc với tôi. Ôm vai tôi đi vòng quanh sân nhà người ấy, mỗi vòng cứ đến gần cổng sắt tôi lại ngường ngượng thấy anh lính gác quần áo mới toanh liếc vào. Ông nói: Cậu viết giỏi lắm, không ở tù mà viết như thằng tù mà lại còn phải là thằng lõi đời tù cơ. Cậu viết hay hơn mấy thằng chúng nó (xin miễn kể tên). Tớ sẽ nhờ cậu viết thời kỳ tớ chuẩn bị tổng khởi nghĩa, hay lắm.

Tôi đinh ninh chuyện người ấy phải hay. Con người ấy đầy cá tính, nhất là quyền biến, sắc sảo cái nhìn khá độc đáo. Tôi đã chờ ngày ông gọi. Chờ hơn cả việc ông cũng đã đặt cọc với tôi: “Sang Paris đàm phán, tớ sẽ đưa cậu theo làm báo cho đoàn”. Người ấy là Lê Đức Thọ. Cần nói ngay: Lúc ấy, Lê Giản chưa cho tôi biết Sáu Thọ lệnh giết mười mấy đảng viên người Hoa, trong có bố vợ tôi. Tới Đổi mới, anh mới vén dăn lên màn bí mật. Lúc ngỏ ý kén tôi viết cho ông, Thọ cũng chưa dựng vụ án xét lại. Sau này, tôi “rễ thối”, chân đi Paris của tôi được Hồng Hà thay còn cái tay viết hồi ký thì Sáu Thọ nhờ đại tá nhà báo quân đội Phạm Phú Bằng. Sớm nữa Bằng đã được đại tướng Văn Tiến Dũng nhờ viết lại Đại thắng mùa xuân, cái hồi ký Hồng Hà viết từ 1976 và gây xôn xao trong cán bộ vì đá phăng tên Võ Nguyên Giáp đi. Một đại tá đến với hơn một chục quả hồng xiêm “cây nhà lá vườn” của đại tướng mời Bằng tới nhà đại tướng. Bằng nhận lời nhưng xin được hỏi lại từ đầu và ghi âm ra làm mười băng những gì đại tướng kể cùng hỏi đáp của hai bên rồi gửi tới nhiều nơi để nghe và góp ý, coi như một cuộc xây dựng tập thể cho quyển sách. Xúp! Hỏi tôi đặt kế hoạch chiến dịch thì cũng cần lấy ý kiến tập thể đấy hả? Còn vì sao muốn viết lại? Không ai biết. Định truy hồi cho Giáp chút công mọn nào chăng. Bằng cũng làm phật ý một đại tướng khác, đại tướng bộ trưởng công an Mai Chí Thọ. Bằng đề nghị một cách viết: Hết một phần đại tướng công an kể, lại xen một phần ý kiến của Bằng, kiểu lời bình và hồi ký sẽ đề cả tên Mai Chí Thọ lẫn Phạm Phú Bằng như đồng tác giả. Xúp là cái chắc. Để tên hai tác giả mà lại có bình Thánh Thán nữa, có mà điên. Các vị không biết anh bạn tôi rất trọng đường lối quần chúng. Trọng thật lòng. Cái hay là từ quần chúng mà ra. Cuối cùng Lê Đức Thọ gọi Bằng đến.

Đưa một quyển sổ tay nói cậu xem rồi căn cứ đó viết cho tó cái hồi ký.

– Thưa anh, Bằng nói, trước khi làm việc, tôi có một đề nghị, xin anh cho tôi được nói một số điều cán bộ, nhân dân bây giờ thường nói mà chắc anh và anh Lê Duẩn chưa nghe.

– Thôi, về đi, Thọ đỏ mặt xẵng giọng.

Phạm Phú Bằng là con trai cả cụ Phạm Phú Tiết, nguyên tổng đốc Quảng Nam – Quảng Ngãi và Bình Định – Phú Yên, người cùng với Khương Hữu Tài Việt Minh, anh của Khương Hữu Dụng, làm cuộc khởi nghĩa ở Quy Nhơn. Cụ đã lệnh anh em bảo an binh mở cửa đồn đón cách mạng. Trong đồn này, từ 1944, cụ tích được hơn 150 khẩu súng, gồm cả “súng cối xay” (tức súng máy, đạn nổ rào rào như xay thóc), với ý định dùng vào cuộc nổi dậy giành độc lập, một việc cụ đã bàn với mấy đại biểu Việt Minh và Cao Đài, một hai năm trước Cách mạng tháng Tám trong một hội nghị cụ triệu tập và chủ trì. Sau tổng khởi nghĩa, cụ làm chánh án Bình Định, rồi chánh án miền Nam, chánh án toà án quần sự miền Nam. Có lẽ vì thế mà Cụ Hồ phong cụ là đại tá đầu tiên, về sau, theo đà củng cố được chính quyền, hơi nhân sĩ hả dần, cụ ra Hà Nội, làm công việc soạn lại các sách Hán Nôm và dạy Hán Nôm, sống nghèo túng ở một gian phòng tập thể tại Mai Dịch, ốm thì đi bộ bên đường lầm bụi đến Bệnh viện E, Cổ Nhuế lĩnh hộp cao Sao Vàng, cơm toàn tép với rau muống. “Cụ cứ ngửa cổ lên nhai ngắc ngắc thế này, tội lắm, Nguyễn Khải kể với tôi. “Mình thấy cụ ăn mà thương quá. Cũng có đoàn kết đấy nhưng xem ra không bền”. Bằng nói sau khởi nghĩa mấy ngày, Khương Hữu Tài bị nội bộ thịt. Có lẽ vì đã cướp chính quyền cùng với tổng đốc. Lúc ấy “thịt” rất dữ. Ở Quảng Ngãi cả ngàn chánh phó lý bị giết nên Bằng rất chợn khi người ta cử bố anh “về thăm” huyện Nghĩa Hành, nơi cụ từng làm quan. Nhưng cụ trở về yên lành. Dân sở tại đem cả hương án ra đón từ đèo Mật trên đường vào huyện. Cảng Hải Phòng là cụ nội Phạm Phú Bằng lập ra: Phạm Phú Thứ, tổng trấn Hải Yên, tức bốn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Yên, Hải Phòng. Lập cảng Hải Phòng mấy năm Việt Nam lập tức xuất siêu! Đi sứ sang Pháp, cụ từng nói – trước cả Minh Trị Duy Tân Nhật – nếu theo đường công nghiệp thì những phồn hoa như Paris, Luân Đôn đâu có là chuyện khó với Việt Nam! Ngài tổng trấn đã mở ở Hải Dương một trung tâm phát hành sách khoa học kỹ thuật gọi là Hải Dương học xã.

Trong thời kỳ chiến tranh với Pháp, khi cụ Phạm Phú Tiết và Phạm Phú Bằng ra chiến khu tham gia kháng chiến thì bà Phạm Phú Tiết và các người con gái đều ở lại Huế. Bằng có một người chị là Xuân Thọ (thường gọi thân mật là Souris Thọ) rất giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh vào giữa thập niên 1950 làm việc trong ngành Ngoại giao của chính quyền Quốc gia, nhiệm sở sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Cuối thập niên 1950 chị Xuân Thọ thôi làm việc, về nước lập gia đình với kỹ sư Ngô Trọng Anh. Hiện nay cư ngụ tại thành phố San Francisco, California, Hoa Kỳ.

Xét về mặt chính trị, gia đình Bằng có đi thụt lùi: Cụ Phạm Phú Thứ có khuynh hướng canh tân đất nước theo nền văn minh Tây phương, trong khi người cháu nội là Phạm Phú Tiết lại tin theo cộng sản.

Tôi dịch Máu lạnh của Truman Capote nhà văn Mỹ nổi tiếng vì muốn đưa ra loại “tiểu thuyết không hư cấu” (non-fiction novel, Pháp gọi là tiểu thuyết – sự thật, roman-vérité) do ông rồi Norman Mailer sáng tạo để ở ta có ai tính ý đem so sánh nó với thể loại “người thật việc thật” đảng đề xướng mà theo đó thì “người kể” hay “người thật” – như mấy tử tù kể lại với Truman Capote – mới là gốc của sự viết; còn nhà văn như Capote chẳng qua chỉ là cây bút rỗng ruột ghi hộ. (Cần bổ sung: đến 2011-12, bên Pháp gọi cả hồi ký 100% – như truyện yêu đương của cháu gái nhà văn lớn kiêm viện sĩ hàn lâm Francois Mauriac với nhà điện ảnh Jean Luc Godard – là “tiểu thuyết”. Rồi Biệt tích ở Shangri-La (Lost in Shangri-La, của Mitchell Zuckoff) cũng tiểu thuyết. Cái quy tắc kinh điển về điển hình hoá dành cho thể loại tiểu thuyết xem ra trụ không nổi nữa rồi. Văn học “người thật việc thật” đã ra đời ở xã Điềm Mặc, huyện Quảng Nạp trong căn cứ địa như thế nào? Giữa tiếng ve rừng ran ran, tháng 5-1950, Thôi Hữu viết Những ngày cuối cùng của Hoàng Văn Thụ. Đăng nó lên Sự Thật, thấm nhuần tư tưởng văn nghệ phục vụ chính trị, linh hồn của Nói chuyện ở Diên An (Mao Trạch Đông), Thép Mới đã thêm cho nó lạc khoản “Trần Đăng Ninh kể, Thôi Hữu ghi” định hình từ đấy một thể loại văn học thể hiện trung thành tinh thần văn nghệ hầu hạ chính trị, văn nghệ sĩ bưng bê nhà chính trị. Trong khi Stendhal, tác giả của Đỏ và Đen (Le rouge et le noir) nói: Chính trị là gông cùm của văn học. Tồ Hoài đã rất đúng khi cho rằng tôi viết hồi ký hay là do tôi đã kéo tai các cốp lên cho ngang với tôi, “chứ viết của này mà dạ bẩm, em kính ghi anh đây… là ngỏm.” Thật ra sáng tạo đều là lên tầng, nâng cấp cho khách quan hay “kéo tai”. Khách quan luôn là cái mà nhà văn mượn để gửi gắm tâm sự và tài năng mình vào. Tóm lại kẻ sáng tạo có thao túng, uốn nặn hiện thực thì mới hòng sáng tạo. Gabo, một trong những tổ sư hội hoạ hiện đại nói: sáng tạo là áp đặt độc tài của trí tuệ. Picasso còn ghê đến thế này: Tôi vẽ cái tôi nghĩ. Đối lại, Matisse nói: Tôi vẽ bằng buồi. Chơi chữ – vẽ, peins hay cái của nợ kia, – penis ở tiếng Pháp đều gồm năm chữ cái giống nhau, khác ở xếp đặt. Vả chăng, trong sáng tạo, hai mặt thanh tục này cùng tác động qua lại không nhỏ. Điều này mỹ học cộng sản tối kỵ! Cách mạng một dạ sắt son ấy mới… con nhà! Những năm còn phải bỏ tên, tôi dịch các chuyện hình sự Pháp, cao bồi Mỹ trong đó có chuyện của Louis l’Amour, vị tác giả đòi ta phải đấu tranh giành lấy nhân quyền, dân chủ. Tôi thích chuyện hình sự, chuyện miền Viễn tây cao bồi từ niên thiếu. Tôi dịch Những con chim hồng hộc của Trương Nhung và không ngờ được xuất bản. Tôi đã lên án được Mao ở quy mô cả nước, không chỉ có ở báo đảng rồi phạm tội khi quân mà bị xô đổ như hồi nào. Trương Nhung – Jung Chang và chồng – John Halliđay, sau đã viết quyển sách dày hơn 800 trang “Mao: Câu chuyện không được biết”. Giới thiệu quyển sách ngay bìa, báo Time viết: “An atom bomb of a book”. – Một quả bom nguyên tử của một quyển sách. Trong đó âm mưu của Mao đã được vạch vòi khá tì mỉ. Chẳng hạn với Việt Nam. Mao chả coi cái xứ sở này ra cái gì. Ngoài tham vọng bành trướng còn tính cách khát máu của Mao: Mao coi chiến tranh khi kéo dài thì giống như thiên đường. Đọc sử, đến lúc hoà bình thịnh vượng thì Mao ớn. Có một việc có lẽ nên nói. Phê bình giới thiệu sách là cần và đáng trân trọng. Song hình như nhiều nhà phê bình hơi vội. Nguyên văn tiếng Anh của Chim hồng hộcThe Wild Swans nhưng có báo khen tắc phẩm xong đã ngạc nhiên sao người dịch lại dịch thành chim hồng hộc. Bỏ qua mất chi tiết sau: trong truyện, tác giả nói rõ mấy mẹ con bà đều được đặt tên Hồng, tức chim hồng hộc tức thiên nga. Viết bằng tiếng Anh, Trương Nhung thêm chữ “hoang dã” – wild vào “thiên nga” để lột hết ý chữ hồng hộc cổ, cái chữ vốn đã vào thơ Việt từ lâu – “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời, Đã mòn con mắt chân trời đâm đăm”, nó có lẽ còn chuyển sang làm tượng thanh tuyệt vời cho phó từ hồng hộc, hùng hục không chừng nữa. Và bản thân tôi lại muốn nhân dịp này tái bản câu Đức Thánh Trần có lẽ đã bị con cháu quên: Các tuỳ tướng Yết Kiêu, Dã Tượng của ta giống như chim hồng hộc bay được cao được xa là nhờ cánh nó có chín giẻ xương. Nếu tôi dịch là hoang dã thì hoá ra thừa nhận có nhánh thiên nga nhà lành nuôi trong ao hồ, khiến nhớ đến Hồ thiên nga “la la ìa la sol la si la soỉ” của Tchaikovski? Một nhà phê bình nêu ra ở trong bài: Nhà văn Phạm Toàn dịch là “thiên nga hoang dã” cơ mà! Tôi thư cảm ơn và nói: Phạm Toàn là bạn tôi, giỏi hơn tôi thập toàn, trừ một chỗ chưa toàn anh ấy phạm phải là tiếng Tàu kém tôi gần như hoàn toàn. Linh Sơn cũng thế. Một vài báo khen nó nhưng cho tôi dịch Núi Hồn là sai. Phải dịch là Núi Thiêng. Sách mới mờ mấy trang, hai nhân vật đối thoại đã nói rõ: “Chữ linh ở Linh Sơn là linh trong linh hồn”, nhưng nhà phê bình đã bỏ qua. Và cả Pháp lẫn Anh đều dịch Núi Hồn (La montagne de l’âme, Soul Mountain), không đâu ra Núi thiêng hết. Mà họ thì không duy vật quá đến nỗi thiếu khái niệm thiêng. May chứ nếu là thiêng thì tôi không viết được lời tựa cho bản dịch: Linh Sơn, Núi Hồn ở đâu? Có lẽ ở trong ta. Nhưng ta ở về phía nào của Núi Hồn? Phía cộng hay phía trừ? Dịch thì khó tránh phạm toàn, tôi xin nói, nhưng người phê bình cũng nên nắm toàn nội dung tác phẩm. Dịch Linh Sơn, tôi đã fax cho tác giả: Tôi với ông là ba cùng, tam đồng. Cùng học Bắc Kinh đại học, cùng hội cầm bút và cùng thuyền gian truân chính trị. Cao Hành Kiện fax lại cám ơn.

Năm 2004, Trung Quốc mở một Hội sách ở Pháp. Cao Hành Kiện không được mời, báo chí Pháp bèn rủa thậm tệ chính phủ họ – ti tiện, nịnh thị trường Trung Quốc nên bày sách theo ý Bắc Kinh. Xã luận tạp chí Lire của Pháp đổi tên hội sách, Le Salon du livre ra thành Le Salaud du livre, Sách xà lù (khốn nạn, bẩn thỉu). Sang Pháp chuyến “sách bẩn thỉu” ấy có mấy nhà văn Trung Quốc nổi tiếng như Mặc Ngôn, tác giả của Cao lương đỏ, Vú mẩy mông dầy. Mặc Ngôn là “Không Nói” nhưng l’Express cho hay cuối cùng trong bản tự kiểm thảo làm theo yêu cầu đảng rồi cho đăng báo, ông nói và nói lớn: một, tôi đã vi phạm chủ nghĩa duy vật lịch sử; hai, tôi đã bị tiêm nhiễm nọc độc văn hoá Tây phương. Và bằng lòng cho thu hôi Vú mẩy mông dầy. Làm nhà văn ngoan vẫn sướng! Tôi cũng dịch Ngẫm của Huraki Murakami viết về vụ giáo phái Aum đánh hơi độc ở Tokyo chấn động thế giới. Thoạt đầu chưa nhận dịch. Mở xem thì đúng chỗ Murakami đặt câu hỏi “chẳng lẽ chúng ta lại chưa từng trao phó con người chứng ta cho một Hệ thống hoặc Trật tự to lớn hơn nào sao? Và… ) chẳng lẽ cái Hệ thống ấy lại chưa từng đòi hỏi chúng ta làm một vài kiểu “điên rồ” nào ư?… Các giấc mơ của bạn có thật sự là giấc mơ của chính bạn không? Phái chăng đó chi là cái nhìn của một ai mà rồi sớm muộn sẽ hoá thành ác mộng?” Nhận ra đúng bản mặt mình từng bị một cái ý xằng nó sai khiến đi theo nó thả khí độc, tôi dịch. 2008, với tên Bản Quyền, tôi dịch Đạo Đức Kinh thông qua quyển Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống của Tiến sĩ người Mỹ Wayne Dyer. Phần nào muốn chuộc tội với bậc vĩ nhân mà tôi đã từng bở qua. Sao tôi lại cam “sống mềm dẻo”, “sống yên bình”, “sống khuất phục”? Phải cải tạo tất cả đi mà sống chứ! Và Thiên niên kỷ (Millennium) của nhà văn Thuỵ Điền Stieg Larsson có lẽ là quyển cuối cùng mà tôi dịch chăng? Đọc tiểu thuyết trinh thám Pháp, Anh, Mỹ từ 14, 15 tuổi, tôi kính trọng tác giả đã nâng cao ghê gớm thể loại này lên, phân tích, suy luận và chiếc kính lúp quen thuộc đã bị thay thế bằng trí nhớ siêu đẳng như máy ảnh và tài xông pha trong cõi Internet như trong chỗ không người. Kể cả tội ác cũng dữ dội hơn trước. Cầm bút, tồi càng hiểu Aragon: “Cô đơn là một tiến bộ so với im lặng”. Nhà văn! Hoặc mi im bặt! Hoặc hãy cô đơn như Camus nói: “Viết là phản loạn nên nhà văn phải bằng lòng với cô đơn”. Cô đơn thì không theo đuôi. Thảo nào Nguyễn Trãi đã thơ: Nguồn im ấy cố nhân và Hoa thơm thường héo cỏ thường xanh. Thường héo vì hay bị vặt bỏ. Thường xanh vì cứ vờn múa với tập thể, với hội nghị. Nguyễn Du nói: “Chân kinh, kinh chân chính, là kinh không lời”. Joseph Brodski thà chịu tiếng lưu manh để chân kinh chứ không cố ngoan để vào Hội nhà văn viết nguỵ kinh cho chính quyền Xô-Viết. Bulgakov, nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỷ 20 của Nga bị trừng phạt thế nào cũng không quỵ. Và Henri Michaux, nhà thơ lớn của Pháp khi nhà xuất bản xin in tác phẩm thì nói ông bằng lòng nếu họ chỉ in 50 bản. Cioran, nhà văn Pháp gốc Rumania như Ionesco (và từng hâm mộ Hitler) đã viết những bảng đề như sau lên cửa: “Mọi viếng thăm đều là gây sự”, “Tôi ghét những ai đến thăm”, “Xin hãy nhân từ, đừng vào”, “Người điên nguy hiếm ở đây!” “ Chúa nguyền rủa kẻ bấm chuông…”

Từ những năm 1962 tôi không đọc văn học Xô-viết nữa. Ngay cả Một ngày của Dyonisevitch của Soljenitsin làm xôn xao dư luận thế giới dạo ấy. Cũng không ghé qua một giây vào Triển lâm Liên Xô mở to lớn ở Vân Hồ hồi đó. Không đụng đến Aimatov, sách của ông được người Việt thích thú truyền tay nhau. “Tấy chay” văn hoá Liên Xô, tôi muốn cho người ta thấy tôi chống Mao là theo chính kiến của riêng tôi. Hình ảnh Mao đã sứt mẻ nhiều ở tôi từ ngày đang ở Bắc Kinh. Phải nói là do được thể chế hoá chặt chẽ và che đậy tinh vi mà thói háo danh ngày một nặng. Đi kèm thói bốc thơm nhau quá thôi.

Trong một tiệc cưới, sắp tàn, Hoàng Cầm đến ngồi cạnh tôi hỏi: Có nghe tớ trả lời Thuỵ Khuê đài RFI phỏng vấn không? Thấy thế nào?

– Được… Nhưng hồi Nhân Văn, Z. đã làm thơ đâu mà cậu nhận nó là nhà thơ Nhân Văn?

– À, nó bảo khi trả lời (phỏng vấn), anh nói là tôi đã làm thơ với các anh từ dạo Nhân Văn nhá, nhá.

– Họ khai man lấy lão thành cách mạng, các cậu cũng khai man lão thành phản động cho nhau. Cậu lấy tên tớ ký vào điện gọi D. T. ra thăm cậu ốm vờ còn được chứ việc này thì dở. Albert Einstein nói đại khái: Ta có được giá trị thật khi ta thoát khỏi cái tôi cỏn con của ta. Các vị lão thành cách mạng có thấy vơ lấy hết về mình cho cái cá nhân mình to lớn ra là tự tước bỏ đi giá trị thật của mình không?

***

Trong một bữa sinh nhật Kiến Giang, một giáo sư tên tuổi đến cạnh tôi, nói, tôi chào anh, anh không trả lời. – We have not the same fame Che same fate, số phận và tiếng tăm chúng ta không giống nhau, tôi nói tiếng Anh cho được nhẹ nhàng.

Niels Bohr nói: Tôi không cường điệu tôi, tức là bịa đó, thì tôi diễn đạt tôi sao được? Einstein nói tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Nên cụ đã bịa mô hình về thuyết tương đối hay Stephen Hawking bịa ra hố đen! Nào là có 30% vật chất đen và 70% năng lượng đen hay lực phản hấp dẫn. Nguyễn Du thì bịa ai xẻ vầng trăng.

– Ờ thế sao đã chống đảng anh lại còn viết Bất khuất?

– Tôi viết vì không muốn lỡ dịp thử sức mình. Cũng là vì đang bị chìm tàu mà thấy vẫn được tín nhiệm, một thứ hám nhăng. Rồi vì thương tù Côn Đảo… Còn chống đảng thì sự này nó lớn dần lên chứ không đùng một cái to ngay. Anh liền bảo tôi viết bịa. Đứng đèn 500 oát, nhịn khát mười tám ngày. (Ý là bịa mà dốt). Tôi nói hai chỗ này là theo lệnh ông Sáu Thọ, nhưng ngoài việc đó ra, tôi cũng đã bịa. (Giáo sư nhíu mày). Tôi nói: Bịa cảm xúc, bịa hình ảnh, bịa chữ, bịa lời chứ tuyệt đối không bịa chuyện, bịa tình tiết Người kể bảo bị tra tấn đau lắm thì bịa ra đau thế nào. Và mười lần đau thì mười lần bịa đau ra sao. Văn học và khoa học cần bịa. Phan Đình Diệu ngồi cạnh tôi nói: Anh Đĩnh nói đúng đấy. (Bụng muốn nói có một điều tôi rất thật thì các anh không khen: Đó là tôi đã bất khuất ở trong đời). Một người khen bút ký tôi mà tôi không ngờ là Dương Bích Liên, người hoạ sĩ mê đọc và sành đọc. Một chiều chúng tôi làm một lèo hai vòng Hồ Gươm nói không thôi về cuốn sách cuối cùng của André Malraux: Lazare. Bỗng Liên khen các cái ký tôi viết nhưng không thích tôi viết cứ buồn buồn. “Này, (hơi gắt giọng) giết kỷ niệm thơ ấu đi, tuer les souvenirs d’ enfance. Anh muốn động viên tôi: Việc gì mà buồn? Nhưng tôi đâu có buồn cho tôi? Tôi muốn cho vào văn học đang bay tít một chút se lòng, một chút andante, lento, thậm chí requiem.

Trên rừng, Liên kể với tôi: Một lần tớ đang vẽ thì ông Cụ đến đứng xem ở đằng sau. Rồi hỏi: “Chú yêu chưa?… Yêu thì không vẽ mắt như thế này”. Buổi chiều, cơ quan tổng vệ sinh, lá gom lại thành nhiều đống, ông Cụ đến một đống nói chỗ này của Bác rồi ngồi xổm xuống châm thuốc hút và đốt từng chiếc lá. Tự nhiên tớ muốn đến hỏi thế Bác đã yêu chưa. Cụ hỏi sao hỏi thế, tớ sẽ bảo yêu thì mắt mới nhìn xa đi như mắt Bác lúc này. Ông Cụ buồn mà. Vẽ ông Cụ buồn nhìn khói mới thích. Biết Cụ buồn cái gì vẽ lại càng hay. Thật ra tranh của Liên luôn như cố một màng sương khói hiu hắt phủ ở trên. Bức Hoa Lau chẳng hạn. Hành quân lên biên giới mở đường số 4, Dương Bích Liên, Vũ Cao và tôi đi tới giữa Đèo Gió thì bỗng đừng sững. Một dải lụa ngũ sắc chăng bên dưới vực chợt vút dâng lên rực rỡ sát mặt chúng tôi. Chim các màu. Đỏ, vàng, xanh, tím… hàng chục nghìn con… Chúng đổ nhào xuống lòng vực rồi lại tung mình lên ở sườn núi đối diện thả xoà ra bức trướng lụa hoa như bầy cung nữ ướm xiêm áo cho một nữ chúa ẩn mặt. Hay một triển lãm di động luôn biến đổi màu và bố cục. Tôi hỏi, chim gì, đẹp quá? Liên nói, chim lửa. Tôi ngợ nhưng im. Hội hoạ ấn tượng có tên đâu? Chợt thấy Liên đứng như bức tượng im lìm đối lại bức rèm hoa phấp phới một góc trời. Bức tượng này đang bị quấn vào tấm mạng màu hết thu vào lại toả rộng. Ở Liên vẫn có nét lầm lì bí ẩn. Đồn là anh tự thiêu với tất cả tranh ở trong buồng. Tay nắm ở cửa buồng Liên hình thoi bằng đồng, mỗi lần nhìn nó, tôi cứ nghĩ đó là con dấu đồng của một vị thần nào gửi giấu ở đây có mang ý nghĩa kỳ lạ mà tôi không sao đọc ra nổi. Có khi tôi run run tay nắm lấy nó. Cầu thang gác lên buồng Liên luôn tối. Tôi nghĩ nó muốn làm một tiền sảnh âm u để cho vài bước nữa thế giới màu bùng nổ.

Đến nay khi viết các trang trước mắt đây tôi mới thấy thêm một lý do viết Bất Khuất. Nên nói ra cho được thật trung thực. Đó là tôi vẫn muốn chứng tỏ với đám Mao-nhều rằng tôi đâu kém họ về tình thần cách mạng. Thật quái gở. Bị đánh tơi tả cả đời vì chống chiến tranh mà trong vô thức vẫn thâm muốn đọ tài với Mao-nhều ở chuẩn bạo lực cách mạng! Song cũng cần nói, trong quyển Bất Khuất tôi không chửi Mỹ một lời, điều cực hiếm trong văn chương cộng sản thời chiến. Tôi đã thấy ở Mỹ cái nẻo đi vào sáng sủa hơn cả!

Sau này nhận ra những hồi ký tôi viết cho thiên hạ chỉ là bưng bê hầu hạ chính trị, chính cái chính trị nó tàn hại đời tôi, anh tôi, vợ tôi…, tôi vẫn thỉnh thoảng mượn Diderot ra để tự bào chữa, ồng tổ sư Bách khoa toàn thư, tức là trùm về định nghĩa, tức là sáng láng mọi mặt, đúng không? Thế mà đã bị ngôi làng Potemkin của nữ hoàng Nga Catherine II bịp, đã yến tiệc linh đình với nữ hoàng và rồi viết tán dương nữ hoàng lên chính ngay trong khi quân lính của nữ hoàng đang tàn sát dã man cuộc nổi dậy của nông dân Pougatchev. Phải chăng cái viết tự thân nó dễ dụ người? Như đàn bà con gái với đàn ông hay như ma tuý vậy. Phải chăng trí thức đễ mù loà chính trị? Giữa lúc nạn đói đang làm chết hàng triệu triệu người Trung Quốc, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand bị Mao lừa ngay nhãn tiền đã ca ngợi đời sống dân nước này được nâng cao. Picasso, Sartre cũng từng say cộng sản. Thêm Diderot vào đây để hiểu chỗ bất toàn của danh nhân văn hoá. Huống gì tôi, kẻ xoàng!

Một hôm Hoàng Ngọc Hiến đưa tôi quyển Người hiền không có ý của Francois Jullien, mời dịch. Hiến dịch Xác lập cơ sở cho đạo đức. Tôi từ chối. Vì không đồng ý Hiến gọi “người hiền không có ý” thành “minh triết là vô ý”. Người hiền ở tiếng Trung Quốc là trí nhân, hiền nhân – kẻ hiểu lẽ trời và lẽ đời – cái hiểu này tự nó đã không dám “minh triết” do đó người hiền khôn, không chảnh chọe để rồi biết phận mình mà ngoan, mà lành, không ra khỏi vị trí mình, tức là không vi phạm quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Nên biết Trung Quốc có thành ngữ “tam ngu thành hiền”: Ba anh ngu cộng lại thành anh trí thức. Chúng ta quen hiểu hiền là lành hiền, thậm chí ú ớ nhưng cơ mà cái bụng tốt. Nên nhớ bụng dạ tốt ở đây đúng ra là anh đừng phá quấy vũ trụ và xã hội. Theo tôi, chia minh triết của phương Đông ra với triết lý của phương Tây là giả tạo. Tôi cho rằng đã mò vào triết học đích thực thì phải ngại chữ minh triết, cái khái niệm mang đầy tính thần quả đoán, ngạo nghễ chủ quan dễ sa vào sai lầm đặc thù của người cộng sản – vỗ ngực nhận mình nắm hết mọi tri thức để mà đứng ở đỉnh cao chân lý. Hoàng Ngọc Hiến dịch Fonder la morale là “Xác lập cơ sở cho đạo đức” chính là đã nhuộm cho chữ dựng (fonder – chỉ đơn thuần là dựng lên) một màu sắc quá minh triết! Sao lại xác? Chính xác, chân xác, xác thực rồi ư? Trong khi chúng ta mới tạm “xác lập” được có nửa móng chân vũ trụ, vũ trụ sụp vào hay nở mãi, trọng lực lại có cả sức li tán nữa? Một tối Dương Thu Hương mời ăn nhà hàng, Hiến nói anh đã dịch sách Jullien và sắp đi Pháp, tác giả mời. Tôi mừng Hiến và nói tiếng Pháp: Tôi từ chối dịch vì muốn dành cho ông sự độc nhất – je veux te résetver l’ unicité. Độc nhất đã dùng chữ minh triết, rành rọt, chân lý giải quyết đâu ra đấy hết cả rồi nhưng dĩ nhiên tôi không nói.

***

Một chuyện lý thú khác cũng dính đến viết. Đầu những năm 70, Như Phong nhờ tôi sửa giúp (thực tế là gần như viết lại) hồi ký của Trần Cung, phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ông là người đang nằm bệnh viện mà nhảy xích lô đến gặp Nguyễn Trung Thành nói đừng thiết kế cho Đỗ Mười vào Trung ương, Đại hội 4. Hồi ký Đệ tứ chiến khu khá dầy viết về căn cứ du kích ở vùng Đông Triều, Quảng Yên. Tôi giúp nhưng rồi Như Phong bảo tôi là “trên” đếch công nhận chiến khu này. Chúng tôi rất ngạc nhiên. Mãi mới chú ý đến cái tên Đệ tứ – Ôi, Đệ tứ thì phạm huý to quá! Hoặc dính đến Tờ-rốt-kít (Leon Trotsky, người Nga, lãnh đạo phe Đệ tử Quốc tế – BT) hoặc Đệ tứ chiến khu của Trương Phát Khuê ở Quảng Tây. Chính Khuê cho Cụ Hồ ra tù rồi được ngày ngày đến sở thông tin Mỹ đọc báo. Thêm một tình tiết: Đầu năm 1945, Cụ Hồ đã nhờ OSS (Tình báo Mỹ hồi Thế chiến 2 -BT) điện cho Santeny, đại diện của de Gaulle năm điều (một nghị viện của Đông Dương qua phổ thông đầu phiếu, một toàn quyền Pháp cho tới ngày công nhận độc lập của Đông Dương trong vòng năm đến mười năm, chương trình cùng phát triển kinh tế, tự do theo Hiến chương Liên hợp quốc và cấm buôn bán thuốc phiện) và đề nghị đàm phán. Rồi Messmer nhẩy xuống Đông Triều để bị Nguyễn Bình giam mãi. Theo Duiker, Sainteny không đi gặp Cụ Hồ vì lụt lớn lúc đó. Nhưng lạ một, ai cho Messmer nhảy và lạ hai, lại nhảy sai địa điểm để không gặp được Hồ Chí Minh? Và phải chăng Messmer bay từ Đệ tứ Chiến khu của Trương Phát Khuê? Theo David Marr, Đệ tứ và Việt Minh không tiếp xúc và từng đụng độ. Nhưng Lê Trọng Nghĩa cho biết Tổng khởi nghĩa vừa xong, Nguyễn Bình tìm ngay Trung ương. Và tư lệnh Đệ tứ đã được cài cho lá cờ soái Nam tiến đánh Pháp sớm nhất, lúc quân Tưởng đầy ngoài Bắc.

Các nhân chứng đã chết, cái chiến khu có tên lập lờ Tờ- rốt-kít và hơi hướng Trương Phát Khuê cuối cùng được đảng thu nhận và đổi thành Chiến khu Đông Triều. Rồi có ngày sẽ mất hẳn Đệ tứ chiến khu. Tất cả lịch sử đều qua viện giải phẫu thấm mỹ, dù tay nghề dao kéo chỉ là ở cấp thị trấn nhỏ. Một tối đọc báo Pháp, một làng ở Algeria bị lụt, chết mấy nghìn người. Tổng thống Bouteflika, người lãnh đạo dân giải phóng đất nước ngày xưa đến uỷ lạo nhưng dân ném đá, la ó, chửi, ông phải vội lên máy bay đi. Nửa tháng sau, thủ tướng Pháp, kẻ đô hộ cũ đến. Dân hoan nghênh, reo mừng, tới tấp đề nghị chính phủ Pháp nới luật định cư để cho họ được sang làm công dân Pháp. Nhà báo nổi tiếng Delfeil de Ton viết: Tôi thuật lại chuyện này mà buồn vô hạn. Đứng lên đuổi Pháp để giải phóng tổ quốc thì nay lại đứng lên xin cho đổi lấy tổ quốc Pháp. Rồi lại xem một bài về nhà văn Đức Gunther Grass (giải Nobel văn học 1999). Ông không muốn tổ quốc Đức thống nhất, tức là muốn xén bé tổ quốc đi. Có lẽ ông nghĩ thà bé tổ quốc còn hơn to mà phải đeo cái u cộng sản. Gấp báo lại, thở dài. Người ta muốn co lại, thậm chí cả với cái giá đất nước bị bé đi thì tôi đã từng muốn nó lớn tràn ra khắp thế giới. Để cho bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình.

Ch41

ừ Capri, hòn đảo ông lưu đày tới rồi khuất phục trở về, Gorki viết Người mẹ. Từ chỗ phê phán tính bất nhân của cộng sản ngay lúc Cách mạng Tháng 10 mới thành công, nay ông quay sang ca ngợi nó. Ông đã cho bà mẹ từ tình mẫu tử tự nhiên đi đến có “ý thức”, nghĩa là thành chiến sĩ tự giác lợi ích vô sản để nhặt lấy lá cờ đào trong tay đứa con, phất cao lên và đi tiếp, bất chấp đàn áp. Chỉ ôm đứa con than khóc trong mưa đạn không thôi, bà mẹ đã đủ nêu gương. Nhưng như thế mới dừng lại ở tình người, bà phải thăng hoa tới ý thức giai cấp, phải qua bước thánh hoá này để cáng đáng cái tuyệt đối – chiến sĩ thoát ly hiến dâng đời cho sự nghiệp bạo lực giải phóng giai cấp. Người mẹ đánh dấu văn nghiệp Gorki kết thúc. Thay vì văn nghệ phục vụ con người, ông cho nó chuyển sang phục vụ một giai cấp rắp tâm quản lý loài người bằng chuyên chính. Và cuối cùng ông đã thành nhà văn tuyên bố chống lại sự thật, chống lại chính ông.

Nguyễn Đình Nghi, anh cho tôi nói tới ngọn cờ đỏ đặc biệt của bố anh: Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà soạn kịch, nhà đạo diễn Thế Lữ, một trong số 29 hội viên đầu tiên và cuối cùng của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, tiền thân đảng cộng sản. Thế Lữ đã gieo mầm lớn: Kết nạp Nguyễn Văn Linh và cái mầm đã hoá thành đại thụ. Nếu cứ đà đó xông lên, chắc chắn không có Tố Hữu tung hoành ở lĩnh vực tư tưởng văn học, văn hoá và làm khổ những ngày già bấu víu vào sân khấu ọp ẹp của ông. Nhưng ông sớm từ bỏ cờ đỏ.

Một hôm tôi hỏi Nghi, cùng học ở Bắc Kinh, anh coi tôi là một trong vài ba bạn bè tin cậy:

– Ông cụ ông có kể chuyện ngày ông cụ được vỡ lòng cộng sản như thế nào không?

– Không!

– Có nói chuyện ông cụ vào đảng rồi hoạt động như thế nào, nhất là chuyện ông cụ kết nạp Nguyễn Văn Linh không?

– Không, sau này Đĩnh nói rồi anh chị em đoàn kịch nghe Thép Mới kể lại tôi mới biết. Hỏi thì ông cụ im…

– Một vùng im bặt à? Mà là vùng rất quang vinh và ầm vang đấy chứ nhỉ? Thế cụ có nói tới Quốc Dân Đảng và các đồng chí bè bạn trong đảng, trong Phong Hoá, Ngày Nay, Tự lực Văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ… không?

– Nói luôn, nói nhiều! Họ thân ái, yêu thương, kính trọng nhau lắm, việc ấy hầu như ai cũng biết.

– Chuyện ông cụ ông bỏ cộng sản đi với Quốc Dân Đảng thật tiêu biểu. Ngược với cụ Trần Huy Liệu bỏ Quốc Dân Đảng đi với cộng sản. Theo tôi, đóng góp của Thế Lữ vào văn học lớn hơn đóng góp của Trần Huy Liệu vào sử học thế nhưng đảng thiên vị.

– Ừ, nghĩ… nghĩ thôi cũng mệt lắm…, Nghi nói khe khẽ, vẻ anh mệt mỏi.

Mấy hôm sau, Nghi điện thoại gọi.

– Ra mình ăn trưa đi… Có một mình thì Đĩnh dễ đi thôi mà. Đi đi…, này, có cái này… hay đấy.

Cái “hay đấy” của Nghi hay thật. Quá hay.

Trong bữa ăn, Nghi kể: ông cụ tôi, như tôi đã nói, không hề hé ra một lời nào về hoạt động cộng sản của cụ. Không bao giờ. Cả khi ông Linh Tổng bí thư bảo với tôi “ngày anh còn bé tôi hay đến nhà ta ở Ngõ Nghè lắm”, ông cụ nghe tôi kể lại cũng im. Một vài anh em thỉnh thoảng nói cụ Thế Lữ dịp này mà gặp cụ Linh thì phải biết, công kết nạp vào đảng cơ mà, thì tôi càng lấy làm lạ thấy cụ cứ một mực lắng lặng. Cụ không khoe, không kể gì hết về đoạn đời đỏ của cụ, tóm lại như vậy, nhưng… nhưng, cụ có nói chuyện này: lúc Tổng khởi nghĩa, đoàn kịch Anh Vũ của cụ đang diễn ở Huế thì Việt Minh đã lùng bắt cụ để thủ tiêu vì là Việt Quốc Quy Dét (từ chữ QD – chỉ Quốc Dân Đảng; tương tự kiểu nói “lộ bem” tức lộ bí mật, từ chữ tắt BM – BT). Mình đã nhờ người hỏi Hoàng Yến từng phụ trách công an Huế đạo đó, Yến bảo có, huy động lực lượng rất ghê bao vây, lùng bắt rất dữ. Dạo ấy hai ông Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu phụ trách xứ uỷ Trung Kỳ triệt để trừ gian ghê lắm. Chính dạo ấy đã truy sát những Phạm Quỳnh và các trí thức thân sĩ khác suốt cả dẻo Trung bộ. Nghi nói tiếp: May ông cụ tôi trốn được. Ra tới Thanh Hoá, vào nhà Đỗ Văn cơ sở đầu tiên của Quốc dân đảng Quy Dét cụ náu lại mấy hôm rồi mặc áo the, đeo râu giả, nón dứa, toàn đạo cụ đoàn kịch, cụ cải trang trốn về Hà Nội.

Cái gì khiến phủ nhận lý lịch cộng sản, không báo công, tranh công nhưng khủng bố đỏ thì ghi lại và nói cho con trai cả? Thế Lữ không cho hay. Từ cộng sản sang Quốc Dân Đảng, từ “tiên phong” rớt về “phản động”, Thế Lữ đi hết quỹ đạo long đong, điên đảo của thân phận trí thức một nước nghèo, lạc hậu dấn theo chủ nghĩa cộng sản nguyện “đứng ở bên lề tiến hoá của loài người”, gạt bỏ trí thức. Lần đầu phát Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nghi bảo tôi: Người ta lờ ông cụ tôi.

– Ông cụ có là đảng viền đâu chứ, tôi nói. Ở ta mẻ vinh hoa đầu bao giờ cũng giành cho cộng sản, người chiến sĩ tiên phong. Đã thành nguyên tắc. Hồ Chí Minh trước hết là cộng sản rồi mới Cha già dân tộc. Mà chú ý, chỉ Cha dân tộc thôi chứ không cha già Đảng được! Huân chương lao động mãi rồi cũng đến tay Thế Lữ. Đảng ngày một rộng bụng hơn. Nghi bảo tôi lúc đón bằng khen, ông cụ ngồi đánh phịch một cái xuống sân khấu, thương quá. Tôi hỏi Nghi, tại sao?

– Đứng lâu mệt hay cụ bị chồn chân.

– Có nghĩ nhà thơ, nhà văn, soạn giả, nhà đạo diễn và diễn viên Thế Lữ muốn châm biếm, không? Con hổ nhớ rừng có câu gì nhỉ? À, “Ta vốn ghét những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối!” Có khi lúc đứng chờ huân chương, ông cụ đã nhớ tới lần đáp máy bay vào Sài Gòn cùng vợ chồng Học, con của cụ ở nước ngoài về thăm. Là giáo viên toán trung học ở Bờ biển Ngà (Cộng hoà Côte d’Ivoire là một quốc gia nằm ở Tây Phi – B.T) vợ chồng Học (được Nhà nước coi là “trí thức lớn”) được xếp cho lên ngồi tít cao cao một mình một bàn cạnh buồng lái tuy cùng giá vé. Cho tới lúc “trí thức lớn” doạ cứ đứng không ngồi nữa mới đành (theo chỉ thị mật của đảng) chiều “trí thức lớn “vớt” ông bố Thế Lữ từng theo đuổi hai cuộc kháng chiến nhưng chưa phải là trí thức, được lên ngồi cùng con, “ăn theo” con. Tôi nghĩ có khi lúc chờ nhận huân chương, cụ cũng nhớ cả lại lúc cụ phải lên báo cáo điển hình ở lớp chỉnh huấn trí thức năm 1953 để tự lột xác, làm nhục mình cùng bè bạn chí cốt của mình trước bao nhiêu trí thức khác, tôi nghĩ có khi vi nhớ lại thế mà ông cụ tức cảnh sinh tình ngồi phệt luôn xuống sàn, như muốn cho thấy tay không tôi còn lom khom đứng nổi còn phải mang tấm huân chương cao quý thì quá sức lẽ mình. Ta vẫn ghét cảnh sửa sang, tâm thường, giả dối…

– Mình… mình… không biết… thật, mình không biết nữa.

– Ông có nghĩ rồi Nhất Linh, Khái Hưng sẽ vào tên phố không?

Nghi lùi lại nhìn tôi.

– Hỏi gì quái gở?

Tôi cũng chẳng hiểu vì sao lại hỏi thế.

– Trong các bạn ở Tự Lực Văn đoàn, cụ Thế Lữ có thích ai hơn cả không?

Nghi lại lắc lắc đầu. Yêu ngang nhau, trọng ngang nhau… nhưng có vẻ nhỉnh hơn một chút về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Khen là người đa tài, thổi clarinette hay lắm, có đạo đức, có nhân quan chính trị sắc bén. À, khen Nhất Linh rất giỏi làm báo nhưng làm báo là phụ mà hoạt động chính trị mới là chính.

– Năm 1962, tôi nói, một lần tôi hỏi Trường Chinh về Tự Lực Văn đoàn, ông ấy đánh giá cao vai trò của tổ chức này trong văn học nhưng phê phán họ “cải lương, thất bại chủ nghĩa”, sau Yên Bái đã bỏ chính trị quay đi làm văn học.

– Xưa những lần ông cụ đưa tôi ở Hải Phòng lên báo Ngày Nay ở Quan Thánh, được gặp các bạn nhà văn của bố, tôi chẳng khác gì đi hội vậy, thấy các ông cứ như ánh sáng cả.

– Thế ông có nghĩ có ngày tên các ánh sáng ấy sẽ thành tên phố không?

Lần nầy Nghi chỉ khe khẽ nói:

– Làm sao mà có ngày ấy được… Ta ngặt lắm… Khái Hưng là ta… thịt mà. Bác Tam không trốn kịp thì cũng bị.

“Ta là ai” tôi hỏi. Rồi im. Nghi cũng im.

Hồi Nghi rủ tôi đến ngủ ở nhà anh ở sau Nhà hát lớn “chạy B52”, – “nó có tránh dân đấy, không thì Hà Nội cũng như Dresden, Hamburg chả còn một viên gạch nào nguyên”. Có một sáng anh đưa tôi xem quyển an-bom (album) lớn của gia đình. Ở trang đầu, trên cùng bên trái, dán ảnh anh và tôi, do Học, em trai anh, chụp. Theo thời gian chụp, bên dưới, phía phải là ảnh anh và Nguyễn Đình Thi. Ra về, tôi bảo anh: Để cái ảnh ông chụp với tôi xuống các trang sau nhé.

– Sao?

– Tôi không hợp với những mở đầu. Với lại tôi là bụi bấn đảng phủi đi, không phải bụi óng ánh của đảng. (Tôi nghĩ Nghi biết việc Thi nói với Phạm Văn Đồng rằng “nhờ ánh sáng của đảng mà các hạt bụi trên người chúng tôi cũng óng ánh”) – Nguyễn Khải kể với tôi.

Một bữa Nghi nói có lẽ anh sẽ dựng “Hồn Trương Ba da hàng thịt” cho Lưu Quang Vũ. Tôi nói: cần có tư tưởng trả giá công bằng ở đây, nếu không thì dễ thành farce, – hài kịch. Và triết học của chuyện này nó dễ chỉ cho người ta đi theo con đường ăn ngang ngồi tắt. Tôi gợi ý thế này, sau khi hồn Trương Ba nhập vào rồi thì trên tay áo anh hàng thịt liền xuất hiện một băng vải đề Ta, vẫn Anh hàng thịt. Hàng chữ này, nổi như một nhân vật riêng biệt, cứ to dần cho đến lúc lan ra hết cả ngực áo. Bởi tôi sự cái sự trú ngụ vào thân thế kẻ khác để ăn boóng vớ bở lắm. Thay mặt nhân dân chính là kiểu trú ngụ này, đúng không? Cố cho thấy cái băng vải kia là một miếng da lừa mà cứ dùng thì nó teo lại rồi biến. Thế mới công bằng. Không được biến không thành có. Rồi Nguyễn Đình Nghi chết. Chỉ ít phút sau, Nguyên, con trai anh, vợ anh Tân lượt báo tôi tin buồn.

Tôi đến ngay và an ủi: Bố cháu như ông cháu cũng đã có được sự nghiệp. Nguyên nói: Bác ơi, trước khi chết ít lâu, một hôm bố cháu nói sự nghiệp mà làm gì con? Sự nghiệp đầu tiên là sống sao cho đúng là mình. Bố không hy vọng còn sống được lâu, con nghe đây và làm theo ý bố. Nếu bố chết, nếu mẹ và con đăng tin buồn trên báo cho bố thì chỉ viết ba điều ngắn gọn thế này. Một, tên Nguyễn Đình Nghi; hai, 73 tuổi; ba, đạo diễn kịch. Thế thôi. Cháu hỏi vậy các thứ danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, huân chương, đảng viên là bỏ cả? Ừ, bỏ cả… Con và mẹ Dung bằng lòng không? Cháu nói ngay: Bằng lòng quá bố ạ! Cùng chúng tôi một lứa một thời, Nghi từng phấn đẩu chân thành để vào đảng, sắp chết, anh tự nguyện mang đi chỉ hình hài suông cùng cái nghề suông. Như tôi, trong khi làm cộng sản, anh chắc đã buộc mình sống trái tự nhiên, dửng dưng với bao tồi tệ, để tin vui được đúng như yêu cầu tư tưởng đảng đề ra. Một nét chung cuối đời Nghi là u uẩn, là ngán. Tôi nhớ một hôm anh hết sức buồn kể lại: “Rạp Công Nhăn diễn một vở kịch tôi dựng. Tôi đứng trên gác để nhìn bao quát. Thình lình ở giữa rạp, một đứa phanh áo ngưc đứng lên gọi to cô nhân vật chính đang độc bạch tâm tư cách mạng trên sân khấu: Thôi, em ơi, lải nhải mãi thế, về mau lên cho anh còn đ. chứ. Cái chữ đ. nổ như quả trái phá. Tôi giận quá, nắm tay lại toan hét: “Đuổi cổ nó ra!” nhưng bỗng lại sợ, sợ ghê gớm. Cô diễn viên chính vẫn tiếp tục giãi bày ước nguyện chiến đấu đến cùng cho lý tưởng giải phóng. Người xem cứ lặng như tờ, theo đúng văn minh nhà hát. Và tự nhiên tôi thấy rõ ràng sụp đổ toàn bộ một nền văn hoá, đạo đức mà chúng ta theo đảng ra sức xây dựng từ lâu. Ông ơi, cái xấu, cái đểu nó thống soát hết cả rồi, đã mạt pháp rồi thì xã hội này mới nhất trí câm nín chịu nhục như thế được chứ nhỉ? Giá như cô vai chính bỏ chạy? Giá như có ai đó lên sân khấu quỳ lạy xin lỗi người xem? Không, cứ như không hết cả. Này, thành gỗ đá hết cả rồi hả, Trần Đĩnh? Mới hiểu tại sao Hồng vệ binh lật trời đảo đất như vậy được. Mà Ba Kim, Lão Xá chịu tự tát vào chính mặt mình, Tào Ngu chịu làm cần vụ chuyên cọ rửa chuồng xí của cái nhà hát xưa vẫn diễn Nhật Xuất, Lôi Vũ. “Làm nhục các đứa con tinh hoa của đất nước vì sợ chúng phản. Không thấy chính mình mới là phản lại tất cả, có phải thế không nhỉ?” Nhìn Nghi lúc ấy tôi tưởng anh bị thương đâu đó. Một cái đau ngơ ngẩn. Chợt nhớ một đêm tránh B52, cầm xem số tạp chí đặc biệt về đại nữ kịch gia Manouichkine tôi vừa cho anh, Nghi bỗng thở dài: Bây giờ làm sân khấu buồn quá, cái gì các ông ấy cũng cấm, cái gì cũng moi ra sai hỏng cơ bản và đều là do phẩm chất kém cỏi của mình. Vì trước hết chúng ta chưa đổi hết tiền thật của chúng ta ra thành tiền giả. Nâng phẩm chất cách mạng lên bằng làm đồ giả thì được toàn là đúng.

Nghi đưa khăn lên mắt tôi mới biết anh khóc.

Một lần tôi hỏi Nghi khi anh vào đảng, cự Thế Lữ có nói gì không, anh nói không, tôi nghĩ tính cụ phẳng lặng như thế. Hôm ấy tôi bảo Nghi tôi chứng kiến một người được tuyên bố kết nạp đã khóc nấc lên ở trước đảng bộ: “Ôi cha mẹ ơi, sao không cố sống tới hôm nay để thấy con được vào đảng yêu quý, cha mẹ ơi!” mà ngượng quá!

Năm 1975 lần đầu vào thăm mẹ anh ở Sài Gòn ra, Nghi khẽ bảo tôi: Có một chuyên tôi rất buồn. Mẹ tôi quắc mắt hỏi, sao anh bỏ Chúa, đứa nào nó xui anh?

Có lẽ Nghi bỏ đảng khi biết mình sắp đi gặp mẹ. Tránh phải thanh minh khi mẹ anh quắc mắt hỏi: Sao anh bỏ Chúa mà theo ma quỷ?

Bình luận về bài viết này