Chí ít sẽ có tám mươi triệu người Việt Nam…

Nguyễn Nguyên Bình

http://basam.info/2014/03/23/2132-chi-it-se-co-tam-muoi-trieu-nguoi-viet-nam/

Từ cuối năm 2013, với phong cách làm việc luôn tỏ ra có kế hoạch chu đáo,và với truyền thống cực kỳ coi trọng các việc lễ lạt tốn kém, các vị lãnh đạo anh minh của Việt Nam ta đã sớm ban hành một loạt văn bản quy định về tổ chức các ngày lễ lớn trong hai năm 2014- 2015.(Chỉ thị 31- CTTW; Quyết định 158/QĐ – TTg; Hướng dẫn số 108- HD/ BTGTW…vì trong 2 năm này có rất nhiều ngày kỉ niệm thuộc loại ‘năm chẵn’, tức những năm mà số năm có đuôi là số 0 và những năm có đuôi là số 5- điều này không có gì lạ, trước nay vẫn vậy). Văn bản mang tên“ Chỉ thị 31- CTTW ngày 25-12-2013 của Bộ chính trị” là văn bản quyền uy nhất, đã ‘phê minh chỉ thượng’ rõ ràng những ngày được kỉ niệm lớn ấy: trừ ngày giỗ tổ Hùng Vương thì không kể năm chẵn lẻ, còn lại là: 70 năm CM tháng 8 và Quốc khánh; 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; 40 năm giải phóng Miền Nam; 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; 85 năm thành lập Đảng CSVN; 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 60 năm giải phóng Thủ đô; 70 năm thành lập Quân đội và 25 năm ngày Quốc phòng toàn dân; 70 năm thành lâp CAND và 10 năm ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; 60 năm ngày ký hiệp định Giơ ne vơ lập lại hòa bình ở VN; 55 năm ngày mở đường HCM; 75 năm Khởi nghĩ Nam Kỳ; 85 năm Xô viết Nghệ Tĩnh; 110 năm ngày sinh TBT Trần Phú; 100 năm ngày sinh đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Vậy đó, có lấy kính hiển vi ra mà soi, cũng chẳng tìm thấy trong bản chỉ thị quan trọng kia một chữ nào nhắc đến kỷ niệm 35 năm ngày toàn dân tộc đánh thắng quân Tàu xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc 18-3 (dù chỉ là với một cách nói ‘tế nhị’ nhất). Cái này chắc chắn không phải do lỗi của ‘cậu đánh máy’, mà là chủ trương hẳn hoi, vì ai cũng thấy là trên thực tế, ngày 18-3-2014 vừa qua, tất cả các cơ quan Đảng, chính đều lạnh như băng, coi như không có ngày đó trong lịch sử đất nước VN! Và còn đáng tiếc hơn nữa là đến nay, theo nhiều nguồn tin cho biết, hiện nay, những tư liệu quý nói về công lao của nhân dân ta đóng góp bảo vệ biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh chống xâm lược TQ từ năm 1979 đến nay đã không được ghi chép trong chính sử, còn có nguy cơ không được lưu giữ trong một số kho chính thống… Và trên thực địa, nhiều di tích, bia kỷ niệm, nghĩa trang còn bị đục bỏ những dòng ghi tên tuổi, đơn vị, quê hương những người có công. Nhiều báo, đài lớn của ‘Nhà nước’ cũng không hề một chữ một lời nhắc nhở đến công lao các anh hùng, liệt sĩ (cả quân đội và nhân dân) có công đánh giặc Tàu mỗi khi đến các ngày kỉ niệm 17-2; 14-3; 18-3… Lãnh đạo cấp trên (theo cách gọi chung chung của những người trực tiếp ra tay phá đám những hoạt động kỷ niệm của dân) lại còn cho giở không ít những chiêu thức quái gở nực cười để cấm cản nhân dân tự phát đứng ra kỷ niệm những ngày đó nữa. Thật hết chỗ nói!

Những người chủ trương ngăn cản, cấm đoán việc tưởng nhớ công lao chống Tàu bảo vệ Tổ quốc thường nêu lý do là làm vậy để giữ mối quan hệ hợp tác giao thương với TQ, để giữ ổn định v.v… Chả lẽ ngày nay VN chỉ có mỗi quan hệ hợp tác giao thương với Trung quốc sao? Vậy bao nhiêu mối quan hệ với các ‘cựu thù’ khác thì sao? Nhật, Pháp bây giờ có đang là ‘Đối tác chiến lược’ của VN không? Đáng nói nhất là quan hệ với Pháp, hãy xem các văn bản ‘Quyết định số 158/ QĐ- TTg ngaỳ 9-9-2013’ và ‘Bản hướng dẫn số 108- HD/BTGTW ngày 25-2-2014’ về kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ thấy việc kỷ niệm đó sẽ phải hoành tráng thế nào (Vì sợ bài viết dài quá làm phiền bạn đọc nên không dám dẫn ra đây cả 8 hướng dẫn công việc phân công cho các cấp, các địa phương hết sức ‘cụ tỉ’ trong đợt kỷ niệm, bạn nào có thời gian cứ đánh tên các văn bản như trên là Google sẽ tìm cho bạn ngay). Văn bản đã ra thì các cấp các ngành các địa phương cứ vậy mà răm rắp thi hành, rồi sẽ thu được kết quả tốt đẹp ngay thôi. Để rồi xem, sau đợt kỷ niệm kéo dài hàng tháng rất chi là ‘tưng bừng hoành tráng’ như hướng dẫn của Ban tuyên giáo TƯ, phía đối tác chiến lược Pháp có làm mình làm mẩy, có tỏ ra tức giận và dẫn đến hạ cấp ‘quan hệ đối tác chiến lược’ không? Chắc chắn là không! Còn đợt kỷ niệm 40 năm chiến thắng 30-4 cũng sẽ không ít hoành tráng, việc đó rồi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến quan hệ giao thương với phía Mỹ, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ổn định hay không ổn định (còn có những việc khác của giới chính thống, không phải là tưởng nhớ tôn vinh công trạng bảo vệ Tổ quốc, không phải là khuyếch trương chiến tích nhưng lại là thực sự gây bất ổn trong lòng dân và ảnh hưởng xấu đến các quan hệ với đối tác cơ). Có sự phân biệt đối xử quá lộ liễu như vậy đối với những công lao chống ngoại xâm của Dân tộc ta là vì lý do gì vậy? Vì bạn vàng Trung Quốc to xác mà bụng dạ nhỏ nhen, hay chấp nhặt, hễ ai động đến ‘vong linh’ của mình là giãy nảy ngay lên rồi tìm cách trị tội người bạn Việt Nam chăng? Hay là vì giới chức quyền VN luôn nhút nhát, ngu ngơ, thiếu bản lĩnh, rụt rè như gà phải cáo nên không dám nghĩ và không nghĩ ra được đối sách gì để vẫn hành xử được đàng hoàng, giữ được trọn vẹn đạo lý uống nước nhớ nguồn truyền thống của VN mà lại không để ‘bạn vàng’ làm gì được mình?

Không phải đến bây giờ dân ta mới nói câu: “Dễ trăm lần không Dân cũng chịu, khó vạn lần Dân liệu cũng xong”, chẳng cần phải chứng minh điều đó là chân lý, vì lịch sử nước ta đã biết bao lần thể hiện rõ ràng điều đó. Chỉ có những người cố tình bịt mắt bưng tai và ôm đồm bao biện, tranh hết phần lo liệu của Dân thì mới không hiểu, không tin chân lý đó mà thôi.

Có điều đáng bàn là, nếu công lao của đồng bào chiến sĩ trong công cuộc chống giặc Tàu, bảo vệ Tổ quốc vẫn tiếp tục bị đối xử bất công, bị dìm dập, bị ‘đục bỏ’… thì trong thời thế này, ngay trong thế hệ này và nối tiếp các thế hệ sau, ở nước ta sẽ có biết bao người trở thành vô ơn với thế hệ đã hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới, biển đảo? Khi có ai hỏi tại sao họ lại vô ơn, chắc họ cũng sẽ không có gì khó để trả lời; chúng ta hãy xem lại câu chuyện vừa xảy ra gần đây về sự vô ơn của ông giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tên ông ta là Lê Thanh Tịnh) đối với giáo sư tiến sỹ Nguyễn Quang Mỹ, Chủ tịch Hội Hang động VN, người đã góp công rất lớn để PN- KB trở thành di sản thiên nhiên và trở thành Vườn Quốc gia thì sẽ rõ. Khi có người hỏi tại sao Vườn Quốc gia PN- KB không có đại diện nào đến viếng tang Giáo sư Nguyễn Quang Mỹ, ông ta đã trả lời: “Mình mới lên làm giám đốc gần một năm nay nên không biết công lao của ông Mỹ với vườn như thế nào cả ”, rồi lại còn nói những lời hỗn hào dị hợm hơn rằng: “Bữa trước có người mô đó nói loáng thoáng với mình, ông Mỹ là người Ba Đồn, anh của ông Lập, ông Vinh… Cũng biết loáng thoáng ông có tham gia gì đó trong Hội Hang động. Do mình không biết, không nghe ai đề xuất chi cả nên đâm dở đi ”. Rứa đó, một người có chức có quyền, lại là người trực tiếp hưởng đủ danh và lợi do công lao của tiền nhân mà ăn nói như vậy về lý do vô ơn của mình, thử hỏi cứ theo cái logic đó mà suy thì người dân thường sẽ có thể nói thế nào khi họ thực sự không được tạo điều kiện để hiểu biết và thấm thía về công lao giữ nước của đồng bào chiến sỹ trong cuộc chiến chống giặc Tàu? Con số người vô ơn, tôi đưa ra: chí ít là 80 triệu! Tôi cố gắng tin rằng trong 90 triệu con dân VN, có thể có được khoảng 10 triệu người có điều kiện và nhiệt tình để tìm hiểu sự thật, có thể xuyên qua lớp mây mù che đậy như hiện nay để vẫn tôn vinh, ghi nhớ công lao của tiền nhân. (Trong đó số 10 triệu này, nhất định có hơn nửa triệu nhân dân tỉnh Lào Cai- theo tin báo Dân trí ngày 15-2- 2014, thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ban hành nghị quyết đặt tên đường phố trên địa bàn thành phố, trong đó có 3 tuyến đường mang tên ba liệt sỹ đã hi sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2- 1979: Anh hùng Liệt sỹ Quách Văn Rạng, Anh hùng Liệt sỹ Võ Đại Huệ và Liệt sỹ Nhà báo Bùi Nguyên Khiết).

Tôi xin hỏi : Các vị lãnh đạo trên cao kia liệu có lo ngại về sự vô ơn (vì lý do như trên nói) của nhiều triệu người Việt Nam ngày nay và mai sau không?

Ngày 22-3-2014

 

 

 

 

 

Bình luận về bài viết này